Hà Nam từng bước đẩy lùi tội phạm tín dụng đen
VOV.VN - Thời gian qua, Công an Hà Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Tuy nhiên vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn bất chấp các quy định của pháp luật để cho vay với lãi suất cao, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Thanh Tuân, nhân viên một ngân hàng ở tỉnh Hà Nam về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đồng thời khởi tố 3 đối tượng khác về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo cơ quan điều tra, biết một số người dân trên địa bàn Phủ Lý cần tiền đáo hạn ngân hàng, Tuân đã cấu kết với nhiều đối tượng để cho vay lãi cao, với mức lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày.
Khi người vay không trả đúng hẹn, Tuân thuê các đối tượng hình sự cộm cán đến siết nợ đe dọa, uy hiếp tinh thần người vay. Cơ quan điều tra xác định, Tuân đã cho vay tổng cộng 2,4 tỷ đồng với lãi suất 182,5%/năm, thu lợi bất chính khoảng 500 triệu đồng. Đây chỉ là một trong nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen mà Công an tỉnh Hà Nam đã đấu tranh triệt phá trong thời gian gân đây.
Thượng tá Lê Đức Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, quá trình đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, cơ quan điều tra nhận thấy việc quản lý nhân viên tín dụng tại một số ngân hàng ở Hà Nam còn chưa chặt chẽ. Điều này đã bị một số cán bộ ngân hàng biến chất câu kết với các đối tượng ngoài xã hội cho vay tín dụng đen.
Thượng tá Lê Đức Tùng cho biết: "Các đối tượng này thường lợi dụng khoán hằng năm. Sau khi các đối tượng huy động vốn vượt số tiền đã được khoán thì giữ lại số tiền đó vào vẫn làm hồ sơ thủ tục. Sau đó cho các cá nhân, doanh nghiệp cần vay gấp vay nóng để phục vụ cho việc đáo hạn ngân hàng. Các đối tượng này lợi dụng việc đó cho vay với lãi suất rất cao, có những trường hợp cho vay lên tới gần 600 % /năm. Chúng tôi cũng đã có văn bản và trao đổi với các ngân hàng để quản lý chặt chẽ hơn để phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm."
Xác định rõ tính chất phức tạp và những hệ lụy liên quan đến "tín dụng đen", thời gian qua, Công an tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", các hậu quả, hệ lụy do "tín dụng đen" gây ra. Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, siết chặt công tác quản lý các ngành nghề, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính và các đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" để chủ động phòng ngừa các điều kiện phát sinh tội phạm.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hà Nam còn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đánh trúng, đánh mạnh các ổ nhóm, đối tượng hoạt động "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính vi phạm pháp luật. Đại tá Đỗ Hoài Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã bắt giữ 53 vụ, 67 đối tượng, trong đó khởi tố 21 vụ, 33 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đại tá Đỗ Hoài Nam nhấn mạnh: "Khi bắt đầu thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh có trên 200 cơ sở cầm đồ và hỗ trợ tài chính. Sau khi lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các huyện, thị xã, thành phố tập trung vừa phòng ngừa vừa đấu tranh mạnh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 59 cơ sở cầm đồ hỗ trợ tài chính hoạt động.Tình hình liên quan đến tín dụng đen được kiềm chế và các đối tượng không hoạt động một cách trắng trợn."
Để ngăn chặn các hoạt động cho vay tín dụng đen từ cơ sở, Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo lực lượng Công an từ huyện đến cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai mô hình điểm “Xã không có hoạt động tín dụng đen”. Theo đó, mỗi đơn vị cấp huyện sẽ chọn một xã để triển khai mô hình “ Xã không có hoạt động tín dụng đen”, từ đó nhân rộng toàn địa bàn.
Từ thực tế triển khai mô hình “Xã không có hoạt động tín dụng đen” ở địa phương, Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng Công an huyện Kim Bảng cho biết, lực lượng công an huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự. Cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ để người dân biết, nâng cao cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Kiên quyết ngặn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.
Thượng tá Trịnh Minh Hoàng cho biết: "Công an huyện đã chọn xã Thụy Lôi là xã điểm để triển khai mô hình đầu tiên của huyện, xã không có hoạt động tín dụng đen. Sau khi triển khai mô hình ở xã Thụy Lôi chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời tập trung điều tra, khảo sát kỹ các loại đối tượng liên quan đến tín dụng đen để đấu tranh bắt giữ, xử lý. Đối với địa bàn Kim Bảng, chúng tôi xác định, không để tội phạm tín dụng đen có đất sinh sống."
Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân khi thực sự có nhu cầu vay tiền làm ăn, kinh doanh cần tìm đến những kênh cho vay chính thống như là ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng của chính quyền. Trường hợp không may trở thành nạn nhân của tín dụng đen, cần bình tĩnh báo ngay cho cơ quan công an để giải quyết kịp thời.