Hãi hùng các cuộc gọi đòi nợ, gây nhiễu loạn, bức xúc trong xã hội
VOV.VN - Các đối tượng nghi “đòi nợ thuê” dùng nhiều hình thức gây áp lực, đe dọa từ bản thân người vay đến người thân, gia đình, bạn bè, công ty của họ gây nhiễu loạn, bức xúc trong xã hội.
Thời gian gần đây, nhiều người dân và doanh nghiệp ở Yên Bái đã bị các đối tượng lạ xưng là nhân viên của các tổ chức tài chính, đơn vị cho vay tiêu dùng, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau gọi điện đến, nhẹ thì nhắc trả nợ, mời chào cho vay; nặng thì đòi nợ với những lời lẽ thô tục, hăm dọa, quấy rối… dù đa phần họ không liên quan đến những khoản vay mượn, hay nợ nần ai. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần, tổn thất tài chính, phiền hà cho tổ chức và cá nhân.
Anh Đặng Văn Thành (ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cho biết, vào khoảng thời gian cuối tháng 4 vừa qua có rất nhiều số điện thoại lạ gọi đến số máy của vợ chồng anh để chửi bới, đe doa, khủng bố tinh thần. Đặc biệt vào ngày 4/5, có người gọi điện cho mẹ vợ anh dọa sẽ bắt cóc cháu, dọa giết nên gia đình rất hoang mang, lo lắng, buộc phải làm đơn kêu cứu gửi đến cơ quan công an.
Theo anh Thành, nguyên nhân xuất phát từ việc anh có vay tín chấp 53 triệu đồng của Công ty tài chính FE Credit, nhưng thực tế anh chỉ nhận được 50 triệu. Theo thỏa thuận, anh Thành phải trả cả lãi và gốc mỗi kỳ là trên 3 triệu đồng cho đến khi hết, với tổng số tiền phải trả khoảng gần 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi trả được 4 kỳ, do dịch bệnh khó khăn nên anh không trả được như thỏa thuận. Sau đó nhân viên FE gọi điện đồng ý cho trả dần, tuy nhiên, ngay sau khi anh trả thêm tiền vào cuối tháng 4, các đối tượng xưng là nhân viên của FE Credit vẫn không buông tha.
"Tôi đã nói chuyện với bên FE là trong lúc khó khăn thì cho đóng theo hàng tháng, mỗi tháng từ 2 - 3 triệu nhưng họ không đồng ý. Sau người ta đồng ý cho trả 3 triệu/tháng, nhưng khi trả được mấy hôm thì lại gọi đe dọa bắt trả hết" - anh Thành cho biết.
Anh Đỗ Trọng Chiến (ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) thời gian qua cũng bị nhiều số điện thoại lạ gọi đến quấy nhiễu, đòi tiền. Lý do các đối tượng đưa ra là vì anh Trịnh Xuân H, (người làm cùng anh Chiến) vay của họ 2,5 triệu chưa trả. Lúc đầu anh Chiến tưởng thật nên khi các đối tượng nói đưa số anh H. để chúng tự liên hệ trao đổi giải quyết, vì anh không liên quan đến khoản vay đó, nhưng các đối tượng không đồng ý và nói anh Chiến là người làm cùng nên phải trả nợ cho H. Sau nhiều lần gọi điện đòi không được, chúng bắt đầu đưa gia đình ra với mục đích đe dọa.
"Các đối tượng gọi điện và nói "gia đình anh có muốn yên ổn không"? Biết là vớ vẩn nên tôi ngắt máy. Sau đó họ lấy hơn 20 số điện thoại khác nhau nhắn, gọi, cứ liên tục hết số này đến số khác gọi. Khi tôi nghe máy thì chúng bảo đã "thấy đau đầu chưa?". Cuối cùng tôi phải dùng phần mềm chặn số lạ mới xong" - anh Chiến kể lại.
Là đơn vị vận tải nên Công ty Cổ phần vận tải và Thương mại Sơn Hòa (Taxi Yên Bái) không thể áp dụng theo phương pháp chặn gọi từ số người lạ như anh Chiến. Thời gian qua, Taxi Yên Bái liên tục bị các đối tượng lạ dùng số điện thoại của nhiều nhà mạng giả danh khách gọi đến tổng đài đặt xe đi nhiều nơi, khi hãng điều xe đến điểm yêu cầu thì không liên lạc được với số người gọi hoặc nếu đầu kia bắt máy là chửi bới, lăng mạ lái xe…
Bà Mai Thị Bích Diệp, Trưởng phòng Tổng đài Taxi Yên Bái cho biết, các đối tượng gọi điện như khách bình thường, khi công ty điều xe đến thì các đối tượng mới nói là gọi đòi nợ. "Bình quân 1 ca tiếp nhận khoảng 200 đến 300 cuộc nháy lên, gọi đến đặt xe, đòi nợ, chửi bới…" - bà Diệp thông tin.
Chỉ tính riêng từ ngày 25 đến 28/4, taxi Yên Bái đã nhận trên 2.000 cuộc gọi đón khách ảo của các đối tượng. Không chỉ gọi đến số tổng đài của Công ty, những người lạ còn gọi điện đến lãnh đạo Công ty quát mắng hoặc lấy danh nghĩa nhân viên Công ty gọi đến một số quán trên địa bàn thành phố Yên Bái yêu cầu ship đồ, hàng đến đến văn phòng Công ty…
Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được cho là do có một nhân viên lái xe của Taxi Yên Bái vay tiền của Công ty tài chính FE Credit quá hạn mà chưa trả hết.
Ông Ninh Tuấn Giang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và Thương mại Sơn Hòa cho biết, đơn vị đã giải thích rõ cho phía đầu dây bên kia là Công ty không liên quan đến các khoản giao dịch bên ngoài của nhân viên. Tuy nhiên, Công ty sẵn sàng đứng ra để xử lý giúp số nợ, với điều kiện bên cho vay phải có người đứng ra nhận tiền, làm thủ tục xóa nợ, tránh tình trạng trả rồi bảo chưa trả, nhưng bên kia không chấp nhận và tình trạng quấy nhiễu vẫn tiếp diễn. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị, gây hoang mang cho hàng trăm nhân viên, lao động, nhất là với gần 200 lái xe.
Các nhà mạng cho biết, rất khó xác định các sim gọi đến quấy rối người dân và doanh nghiệp thời gian qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái có phải là sim rác hay không để chặn. Qua theo dõi, đa số các sim trôi nổi thị trường đã lâu, qua nhiều chủ, không nằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều sim phát sinh cuộc gọi ở lãnh thổ nước ngoài, ở vùng chồng lấn sóng.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Yên Bái cho biết, các thuê bao bị chặn phải đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí của Cục Viễn thông về xác định cuộc gọi rác cũng như tần suất cuộc gọi xuất hiện, thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi các thuê bao không có mối quan hệ, chủ yếu gọi đi, không nhận gọi đến…
Theo Thượng tá Lê Cao Bách, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh đã nhận được phản ánh từ người dân và đơn đề nghị của một tổ chức liên quan đến tình trạng nhũng nhiễu, đòi nợ qua điện thoại. Hiện đơn vị đang trong quá trình xác minh, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Lê Cao Bách cũng khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng khi thực hiện các giao dịch qua mạng internet. Khi vay tiền phải xác định đúng, rõ nguồn gốc vay, làm sao đảm bảo vay đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời chú ý bảo mật thông tin cá nhân, ví dụ như sử dụng một số ứng dụng trên internet thì phải chú ý bảo mật, khi ứng dụng yêu cầu cấp quyền truy cập danh bạ, truy cập camera, truy cập micro thì công dân không cấp quyền.
Tại tỉnh Yên Bái hiện có 6 công ty tài chính, với hàng trăm điểm giới thiệu dịch vụ cho vay thông qua mua sắm và cho vay bằng tiền mặt. Một phần do người dân chưa lường hết được những rủi ro, một phần do thủ tục vay đơn giản hơn so với hệ thống ngân hàng nên nhiều người dân Yên Bái đã tìm đến các dịch vụ cho vay này.
Vì một lý do nào đó, khoản vay quá hạn trả thì bị các đối tượng nghi “đòi nợ thuê” dùng nhiều hình thức gây áp lực, đe dọa từ bản thân người vay đến người thân, gia đình, bạn bè, công ty của họ. Điều này gây nhiễu loạn, bức xúc trong xã hội, rất cần cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh kịp thời./.