Hiểu đúng pháp luật để có một xã hội trật tự, an toàn
VOV.VN - Tìm hiểu pháp luật để làm theo, làm đúng pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Năm 2021 là năm thứ 9 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) theo tinh thần của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Sau 9 năm thực hiện, Ngày Pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho mọi tổ chức, cá nhân như thế nào và để Ngày Pháp luật ngày càng thực chất, hiệu quả cần những giải pháp gì trong thời gian tới? Về nội dung này phóng viên VOV phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc.
PV: Năm 2021 là năm thứ 9 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Xin ông cho biết những điểm nhấn nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay?
Ông Lê Vệ Quốc: Có thể nói, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã dần dần đi vào nề nếp với mục tiêu lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Tìm hiểu pháp luật để làm theo, làm đúng pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hướng tới một Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Năm 2021 này, phát huy tinh thần đó, các bộ, ngành, các địa phương đã triển khai rất nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Một số tỉnh tổ chức các cuộc thi vừa để hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời cũng đáp ứng những yêu cầu mang tính thời sự như là các cuộc thi trực tuyến về tìm hiểu pháp luật phòng, chống dịch bệnh Covid19, một số tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu, ký kết các chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Còn riêng ở Bộ Tư pháp, lãnh đạo Bộ đã giao cho Báo Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lễ vinh danh 50 gương sáng pháp luật trên phạm vi cả nước. Đây là một sự kiện có tính điểm nhấn trong việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 của Bộ Tư pháp. Đồng thời cũng gửi một thông điệp đến với mọi người dân và toàn xã hội rằng, ở bất kỳ đâu, cương vị công tác nào, mỗi công dân Việt Nam đều có thể có những đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật.
PV: Qua 9 năm thực hiện Ngày pháp luật, theo ông đã có tác động như thế nào đến việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân hiện nay?
Ông Lê Vệ Quốc: Thứ nhất là tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội đã được lan tỏa đến với từng người dân. Từ đó nhận thức hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Vi phạm pháp luật ngày càng giảm xuống. Ví dụ, ở những vùng biên giới hải đảo, trước đây, những vấn đề nóng như ma túy, buôn bán người qua biên giới, di cư tự do… thì bây giờ những câu chuyện đó ngày càng được cải thiện. Kết quả đó, một phần nhờ vào việc tổ chức nề nếp việc hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 hằng năm. Nhờ việc lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đến với mỗi người dân một cách sâu rộng cũng giúp cho người dân hiểu rõ hơn vai trò ý nghĩa của pháp luật đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Từ đó họ tự giác hơn trong việc tìm hiểu và tuân theo Hiến pháp, pháp luật. Với tinh thần hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt nam, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong quá trình thực thi công vụ của các cán bộ, công chức đã chú trọng hơn về việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
PV: Thưa ông, Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn và cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng thực thi pháp luật. Vậy theo ông, hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay đang đặt ra những vấn đề gì cần quan tâm?
Ông Lê Vệ Quốc: Hệ thống pháp luật của chúng ta nhìn chung vẫn chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện. Vẫn có hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. Quá trình xây dựng hoạch định chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa chú trọng đến truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội. Do đó, hiệu lực, hiệu quả, tuổi đời của một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ở rất nhiều diễn đàn đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, sát sao và quyết liệt. Đó là làm thể chế, làm luật là phải làm từ sớm từ xa. Từ cơ quan chủ trì soạn thảo đến các cơ quan thẩm tra đều phải vào cuộc ngay từ rất sớm, chứ không phải chờ đến khi văn bản quy phạm pháp luật đã được dự thảo hoàn thiện đưa ra Quốc hội mới bàn thảo để lấy ý kiến thông qua. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chủ trì soạn thảo song song với việc đề xuất chính sách và xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chú trọng đến tổ chức truyền thông rộng rãi đến người dân trong xã hội. Đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của các chính sách, văn bản đó để tạo sự đồng thuận của xã hội, kiểm nghiệm những chính sách khi tham mưu ban hành có đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn của cuộc sống hay không. Từ đó giúp cho pháp luật dễ dàng đi vào cuộc sống và đảm bảo tính ổn định, bền vững của nền lập pháp.
Chúng ta cũng thấy là có những nơi cấp ủy và người đứng đầu cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Nhiều địa phương chưa bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, nhiều chính sách rất tốt rất phù hợp nhưng mà một phần chậm đi vào cuộc sống bởi quá trình tổ chức để đưa các chính sách, các quy định đó vào cuộc sống rất chậm. Rồi ý thức của một số người dân đối với việc tìm hiểu, tuân theo Hiến pháp, pháp luật vẫn còn hạn chế.
PV: Để Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng thực chất hiệu quả, theo ông, cần thực hiện các nhiệm vụ giải pháp gì trong thời gian tới?
Ông Lê Vệ Quốc: Chúng tôi cho rằng, hằng năm, các Bộ, ban, ngành, địa phương nên chú trọng đến tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với điều kiện tình hình của từng bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các nhiệm vụ trọng tâm của những năm đó mà các bộ, ngành, các địa phương đang triển khai thực hiện để đảm bảo những sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, các địa phương.
Cố gắng tận dụng công nghệ thông tin một cách tối đa, không cần tổ chức các hội nghị trực tiếp mang tính truyền thống như trước đây mà chúng ta có thể thông qua nền tảng công nghệ thông tin tổ chức và lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật sâu rộng đến với từng người dân. Chúng ta có thể sử dụng các mạng viễn thông để chuyển các tin nhắn gửi các thông điệp hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cho từng số thuê bao điện thoại. Chúng ta có thể xây dựng pano, áp phích đăng tải trên cổng thông tin của các cơ quan nhà nước của các tổ chức chính trị xã hội. Từ đó huy động thêm các mạng xã hội vào cuộc để đến những ngày đầu tháng 11, mỗi người dân sử dụng điện thoại thông minh hay sử dụng internet có thể được tiếp cận với những hình ảnh trực quan sinh động với những câu khẩu hiệu có ý nghĩa. Từ đó thấm sâu hơn nữa ý thức của họ, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và từ đó mỗi người dân cũng sẽ tự giác tìm hiểu pháp luật với phương châm hiểu đúng pháp luật để sống đúng, sống hạnh phúc.
Chúng ta cũng nên có những chủ đề, chuyên đề gắn với từng đối tượng, gắn với từng địa bàn, từng vùng miền, gắn với từng vấn đề cụ thể trong cuộc sống mà người dân ở nơi đó người ta đang quan tâm để triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Đồng thời lồng ghép vào đó việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những chính sách quy định cần thiết để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!