Khởi kiện khi mẹ đẻ không được hưởng thừa kế từ con trai
VOV.VN - Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, vợ/chồng, con đẻ, con nuôi là người thừa kế hàng thứ nhất của người chết. Mẹ đẻ nếu không được hưởng thừa kế từ con trai hoàn toàn có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế với con dâu.
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của người chết gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Ngoan ở xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, anh trai chị chết không để lại di chúc nhưng chị dâu và cháu nội lại tiến hành sang tên sổ đỏ thửa đất đang đứng tên anh trai mà không phân chia di sản cho mẹ của chị Ngoan.
Về trường hợp này, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cty Luật TNHH Thiện Duyên phân tích: Nếu anh trai chị Ngoan chết mà không để lại di chúc thì theo quy định tại Điều 650 và Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, các di sản của người này sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: Vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của anh trai thính giả.
Do đó, mẹ của chị Ngoan sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng một phần di sản do con trai để lại. Vì vậy, việc phân chia, định đoạt các di sản của anh trai chị Ngoan sẽ phải do những người đồng thừa kế (trong đó có mẹ đẻ) cùng thỏa thuận và thống nhất.
Việc thỏa thuận phân chia di sản giữa các đồng thừa kế sẽ được thể hiện dưới dạng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Do vậy, nếu không đồng ý với nội dung, cách thức phân chia di sản do các đồng thừa kế khác đề xuất thì mẹ chị Ngoan có quyền từ chối, không ký văn bản phân chia di sản thừa kế này.
Nếu các đồng thừa kế (trong đó có mẹ và người chị dâu của chị ngoan) không thể tự thỏa thuận, thống nhất được nội dung, cách thức phân chia di sản thì đều có quyền khởi kiện tại Tòa án, để yêu cầu Tòa án phân chia di sản của người anh trai chị Ngoan và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy đinh của pháp luật.
Mời quý vị nghe toàn bộ tư vấn của luật sư Nguyễn Đức Hùng về trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan tại đây: