Chuyên án Laptop ở Hải Phòng

Kỳ 3: Có hay không câu chuyện công an đánh người?

(VOV) -Không có gì cao hơn sự thật và không có gì thấp hơn sự dối trá. “Nói dối là gì? Đó chính là sự thật đeo mặt nạ”

Việc Cục Điều tra hình sự VKSNDTối cao điều tra đơn tố cáo cán bộ Công an huyện An Dương đánh anh Phạm Ngọc Khánh phải đi cấp cứu bệnh viện và việc sau khi ra viện gia đình lại đưa anh Khánh lên Hà Nội nói là để tiếp tục điều trị, khiến dư luận đặt ra 2 “nghi án”. Một là, công an ép cung, dùng nhục hình đối với anh Khánh? Hai là, anh Khánh dựng chuyện, gây sức ép với cơ quan điều tra hòng thoát tội?

Đại úy da đen và hồ sơ bệnh án

Theo nội dung tố cáo của nạn nhân, cán bộ Công an huyện An Dương đã nhiều lần đánh anh Khánh. Ông Khương nói cụ thể với phóng viên VOV:  Con ông bị một đại úy da đen Công an huyện An Dương đánh đến ngất xỉu. Chi tiết này đã được cán bộ điều tra của VKSNDTối cao quan tâm, làm rõ.

Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể được lập vào hồi 17h10’, ngày 6/6/2013 với bút tích của Phạm Ngọc Khánh và chữ ký của người dân làm chứng.

Trả lời VOV, Trưởng Công an huyện An Dương, đại tá Trần Quang Hợp khẳng định: “Trong Tổ điều tra xét hỏi cháu Khánh không có một đại úy nào. VKSND Tối cao đã về làm việc và đã gặp từng người trong Tổ điều tra và tiến hành điều tra rất khách quan, cụ thể. Tôi khẳng định đây là sự cố tình bịa đặt nhằm mục đích làm nhụt chí anh em trong điều tra phòng chống tội phạm”.

Để làm rõ nghi vấn anh Khánh có bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não, nội tạng, rơi vào trạng thái bất tỉnh hay không, một tài liệu rất quan trọng là Bản kết luận giám định pháp y số 364-PY/2013 ngày 12/6/2013 của Trung tâm giám định pháp y Hải Phòng. Văn bản này kết luận: Phạm Ngọc Khánh bị một số sang chấn phần mềm nhẹ, chỉ gây bầm tím và xây xước da nhỏ rải rác, không gây tổn thương xương khớp, không tổn thương nội sọ, nội tạng và không gây nguy hiểm cho tính mạng của đối tượng.  Đối tượng không có bệnh lý cấp tính gì, còn đang theo dõi ngộ độc thuốc ngủ, nhưng tình trạng sức khoẻ đang dần hồi phục và đã qua giai đoạn nguy hiểm.

Kết quả giám định đã được Công an TP Hải Phòng công bố trong Thông cáo báo chí số 613/BC-CAHP-PV11, chiều ngày 12/6/2013, để kịp thời minh bạch thông tin. Nhưng ông Khương và anh Khánh không chấp nhận, vẫn tố cáo công an đánh người, ông Khương còn đưa ra chiếc áo anh Khánh mặc có vết máu ở cổ áo để nhà báo chụp. Một nghi vấn được nêu ra: Công an khẳng định, khám nghiệm pháp y kết luận anh Khánh không có bệnh lý gì, vậy tại sao sau 5 ngày anh Khánh ở lại trụ sở công an (anh Khánh viết đơn tự nguyện ở lại hợp tác với công an), anh Khánh lại bị rơi vào tình trạng chấn thương sọ não, mê man bất tỉnh, đại tiện, tiểu tiện vô thức? Tại phòng cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp, qua khám và xét nghiệm ban đầu, các bác sỹ chẩn đoán anh Khánh bị chấn thương sọ não, được điều trị theo phác đồ này. Nhưng trả lời báo chí, Công an Hải Phòng lại thông báo kết luận giám định pháp y rằng anh Khánh bị ngộ độc thuốc ngủ. Chẳng lẽ, bác sỹ Bệnh viện Việt - Tiệp lại nhầm lẫn giữa chấn thương sọ não và ngộ độc thuốc ngủ?

Trước hết, cần nói lại cho rõ, kết luận giám định pháp y không có nội dung kết luận “anh Khánh bị ngộ độc thuốc ngủ”, chỉ có nội dung “còn đang theo dõi ngộ độc thuốc ngủ”

Tìm hiểu nghi vấn anh Khánh có bị đánh chấn thương nội tạng, sọ não, và vì sao lại có chuyện “theo dõi ngộ độc thuốc ngủ”, VOV đã được Bệnh viện Việt - Tiệp cung cấp toàn bộ hồ sơ bệnh án điều trị của bệnh nhân Phạm Ngọc Khánh.

Tại Giấy chuyển viện do Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Dương ký hồi 18h45’ ngày 11/6 chuyển Phạm Ngọc Khánh đến Bệnh viện Việt-Tiệp, phần “Tóm tắt bệnh án” ghi: “Bệnh nhân bị stress tâm lí, từ sáng đến trưa không ăn, tự uống thuốc Dexumethasone, Paracetamol...  không rõ số lượng, sau đó bệnh nhân lơ mơ không đáp ứng kích thích...”; Chẩn đoán: “Stress tâm lý mạnh, hôn mê độ I, chưa rõ nguyên nhân”.

Tại “Bệnh án nội khoa” của Bệnh viện Việt – Tiệp, phần “Tóm tắt bệnh án”, lập ngày 12/6/2013, ghi: “Tiền sử khỏe mạnh. Hiện tại: Tỉnh, không khó thở, không liệt. Vai phải có bầm tím kích thước 4,5x3,5cm. Lúc vào phòng khám cấp cứu trong tình trạng lơ mơ đã được rửa dạ dày tìm độc chất”; mục “Hỏi bệnh” ghi: “Bệnh nhân có uống thuốc không rõ loại, không rõ tiền sử chấn thương, sau đó bệnh nhân tự dưng bất tỉnh. Tình trạng lúc vào khoa cấp cứu: Lơ mơ, gáy mềm...”. Chẩn đoán khi vào khoa điều trị, mục “Bệnh chính” ghi: “Theo dõi ngộ độc thuốc ngủ - Theo dõi chấn thương sọ, vai”; mục “Hướng điều trị” ghi: “Giảm đau. Điều trị triệu chứng tìm tổn thương khác”.

Phần “Tổng kết bệnh án”, ngày 14/6/2013, ghi: “Không rõ tiền sử chấn thương. Uống thuốc không rõ loại. Lơ mơ, cấu gạt đúng. Tụ máu dưới da vai phải 4x6cm. Kết quả xét nghiệm lâm sàng: Không tụ máu nội sọ (chụp CT Scanner); Không tổn thương xương quanh vai phải (X-quang)”. Phương pháp điều trị: “Giảm đau. Rửa dạ dày. Tăng cường tuần hoàn não”. Tình trạng người bệnh ra viện: “Tỉnh. Còn đau đầu”. Hồ sơ phim ảnh gồm: X-quang (3 tờ), CT Scanner (1 tờ), Siêu âm (3 tờ), Xét nghiệm (5 tờ), khác (15 tờ). Tổng cộng toàn bộ hồ sơ 27 tờ. Trong các “Tờ điều trị” thể hiện bệnh nhân Khánh được thăm khám liên tục trong suốt 3 ngày, riêng ngày 11 và 12/6, các lần khám cách nhau 10, 15, 30 phút. Hồi 21h30 ngày 11/6, TS. Bùi Thanh Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp hội chẩn cùng kíp trực bác sĩ Khoa Ngoại, nhất trí chuyển bệnh nhân về Khoa Nội 2 để điều trị sau khi kết luận: “Bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn định, bệnh nhân khai có uống thuốc không rõ loại gì, hiện tại Khoa Ngoại chưa can thiệp gì, đã rửa dạ dày.” Kết quả siêu âm: Gan, đường mật, túi mật, tĩnh mạch cửa, tụy, lách, thận, bàng quang, tiền liệt tuyến, ổ bụng, màng phổi đều bình thường  

Bản kết luận giám định pháp y số 364-PY/2013 ngày 12/6/2013 của Trung tâm giám định pháp y Hải Phòng và các bản ảnh.

Tóm lại, toàn bộ hồ sơ bệnh án cho thấy không có gì mâu thuẫn với nội dung của Bản kết luận giám định pháp y số 364-PY/2013 ngày 12/6/2013 của Trung tâm giám định pháp y Hải Phòng.

Không hề có dấu vết sang chấn do ngoại lực tác động gây tổn thương sọ não và tổn thương nội tạng. Vết thương duy nhất được ghi, được mô tả trong hồ sơ bệnh án, được chụp X-quang, là vết bầm tím vai phải.

Sự thật đeo mặt nạ

Về vết bầm tím nơi vai phải anh Khánh, tại Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể được lập vào hồi 17h10’, ngày 6/6/2013, chính Phạm Ngọc Khánh tự tay viết: “Vết bầm tím ở vai phải của tôi kích thước 3x3cm (không rách da chảy máu). Ngoài ra không có thương tích gì khác. Vết bầm trên do tôi đi vệ sinh va vào cửa tại gia đình trước khi đến cơ quan công an làm việc. Quá trình làm việc tại cơ quan công an tôi không bị đánh đập, xúc phạm gì. Tôi cam đoan đúng sự thật”.  Một người dân là ông Phạm Văn Toàn đang có mặt tại Công an huyện An Dương làm CMND đã tự nguyện làm chứng ký tên vào biên bản này.

Một nhân chứng quan trọng khác là anh Nguyễn Duy Quang, sinh năm 1996. Do gây TNGT dẫn đến chết người, anh Quang đã đến Công an An Dương trình báo và ở lại từ ngày 10/6/2013. Cả anh Quang và anh Khánh cùng ở trong phòng làm việc, không phải là phòng tạm giam hay tạm giữ. Anh Quang kể: “Chiều 10/6, khi vào phòng làm việc của Đội Điều tra Hình sự tôi thấy có hai anh công an đang làm việc với một thanh niên ở bàn phía trong. Đến khoảng 21h thì hai anh công an ra khỏi phòng. Sau đó tôi nằm nghỉ và không thấy gì bất thường. Tôi ngủ đến khoảng 3 – 4h sáng thì tỉnh dậy mở cửa đi vệ sinh rồi vào ngủ tiếp. Khoảng 6h50 phút ngày11/6 tôi tỉnh dậy, anh thanh niên ngồi tại bàn làm việc phía trong hỏi tôi: Tại sao lại ở đây? Tôi nói liên quan đến vụ TNGT. Tôi hỏi lại, thì anh này nói liên quan đến vụ mua máy tính của bọn cướp. Tôi đi vào phía trong và ngồi cùng anh, hỏi thì biết tên anh là Khánh. Anh Khánh có mời tôi ăn bánh đựng trong một chiếc túi nilon. Tôi thấy có một túi thuốc gồm nhiều vỉ và một lọ thuốc dạng thuốc tây. Khoảng 10h30’ cùng ngày, tôi thấy anh Khánh bỏ ra một vỉ thuốc màu trắng hình tròn và 2 viên thuốc màu hồng uống. Tôi hỏi thì anh Khánh nói bị ốm. Khoảng 30 phút sau tôi lại thấy anh Khánh lấy 2 viên thuốc màu trắng uống tiếp và uống rất nhiều nước. Anh Khánh nói buồn nôn thì tôi bảo buồn nôn sao lại uống nhiều nước thế và anh Khánh không nói gì. Sau đó chúng tôi nằm nghỉ, một lúc sau có người mang cơm vào cho chúng tôi. Tôi ăn cơm nhưng anh Khánh không ăn. Sau khi ăn xong tôi ngủ đến khoảng hơn 2h rồi tỉnh dậy thì thấy anh Khánh đi từ ngoài vào. Thấy cơm vẫn còn, tôi hỏi anh không ăn cơm à? Anh Khánh không nói gì và nằm xuống 3 chiếc ghế để sát nhau. Tôi thấy túi thuốc của anh Khánh có các vỉ thuốc không còn viên nào, trong lọ thuốc còn lại bao nhiêu viên tôi không biết. Một lúc sau công an đưa anh Khánh đi cấp cứu. Tôi có đưa các vỉ thuốc này cho 2 anh công an. Tôi khẳng định trong lúc làm việc không có ai to tiếng, không có ai xúc phạm, đánh đập gì anh Khánh cả”.

Chiều11/6, thấy anh Khánh lả người đi, công an đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa An Dương, đồng thời mang các vỉ thuốc mà anh Khánh đã uống đưa cho các bác sỹ. Chẩn đoán ban đầu đó là thuốc ngủ, bác sỹ cấp cứu nhanh chóng đặt ống xông (luồn qua mũi) để rửa ruột cho anh Khánh. Khi ông Khương và người nhà kéo đến, bác sỹ cấp cứu đã khẳng định: “Chỗ chảy máu này là do đặt ống xông dạ dày làm rách niêm mạc gây ra chảy máu và dây ra cổ áo”. Nhưng sau này ông Khương vẫn đưa chiếc áo có vết máu ra làm bằng chứng công an đánh con mình.

Ngoài vết bầm vai phải mà anh Khánh đã thừa nhận tự mình gây ra ở nhà, trên người anh Khánh còn nhiều vết xây xước, bầm tím ở mang tai, vùng cằm, môi trên, môi dưới, chân, thì do ai gây ra?

Tại Bệnh viện Đa khoa An Dương, bác sỹ Trần Thị Bạch Tuyết, người đón nhận bệnh nhân Khánh khẳng định: “Khánh vào viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không trả lời, cấu véo mạnh không đáp ứng, không sốt, không nôn, phản xạ ánh sáng đồng tử hai bên co tốt...”.

Bác sỹ Ngô Anh Tuấn cho biết: “Tôi cùng bác sỹ Tuyết và các điều dưỡng Đông, Dung, Hòa trực tiếp sơ cứu bệnh nhân Khánh lúc 14h40’. Bệnh nhân có một vết tím ở vai phải, ngoài ra không có thương tích gì khác. Trong quá trình cấp cứu, thấy bệnh nhân lơ mơ, gọi không trả lời, chúng tôi đã cấu, véo vào khu vực vùng mặt, trong đùi phải của bệnh nhân nhưng không phản ứng. Chúng tôi đã tiêm thuốc, truyền nước đồng thời bấm huyệt nhân trung (vị trí dưới mũi và môi trên), cấu, véo ở vùng mặt, đùi phải của bệnh nhân và đã để lại vết bầm vùng môi trên, môi dưới, trong đùi phải...”

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hòa kể: “Tôi thấy bác sỹ Tuyết và bác sỹ Tuấn thực hiện các biện pháp thử phản ứng như cấu, véo vùng đùi non, giật tóc mai, cấu, véo 2 núm vú, bấm huyệt nhân trung và môi dưới, huyệt thái dương, cho thở ô xy, truyền dịch thải độc cho nạn nhân. Các biện pháp cấu, véo, bấm huyệt của bác sỹ trên cơ thể bệnh nhân có gây các vết bầm tím thì chỉ mấy hôm là hết. Tôi thấy các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê độ I, chưa rõ nguyên nhân, stress quá mạnh, không loại trừ uống thuốc quá liều gây ngộ độc”.

Sau đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Dương ký Giấy chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt - Tiệp. Sau 3 ngay điều trị, Bệnh viện Việt –Tiệp đã cho anh Khánh ra viện trong tình trạng: “Tỉnh. Còn đau đầu”. Gia đình anh Khánh đã tự chuyển anh Khánh đến Bệnh viện 108 ở Hà Nội.

Theo lời ông Khương, Viện 108 xem hồ sơ  nhưng lại đưa con ông vào nằm tạm tại phòng B2 và chẳng có thuốc thang gì và phải chờ đến sáng mai mới thu xếp giường. Vì thế, đến 2h00 sáng, ông đã tự chuyển con mình đến bệnh viện khác của quân đội. Bệnh viện này đã cho con ông uống một viên thuốc “hoàn cung” giá tiền triệu, “sau 4 tiếng, cháu đã bắt đầu phục hồi, các vết thương còn lại đã lặn hết rồi, chỉ còn đầu hơi lơ mơ...”. Ông đề nghị với phóng viên VOV xin được dấu tên bệnh viện này.

Như vậy, không hề có căn cứ để kết luận Công an An Dương đã đánh Phạm Ngọc Khánh chấn thương sọ não, nội tạng. Ngược lại, các chứng cứ đã nêu hoàn toàn logic với lời khẳng định của đại tá Trần Quang Hợp, cũng hoàn toàn phù hợp với chính bút tích của Phạm Ngọc Khánh đã viết trong đơn tự nguyện hợp tác với cơ quan công an: “Tôi không hề bị đánh, không bị giam cầm, không bị cùm khóa chân, tay...”.

Hãy đối diện với sự thật. Hãy nhanh chóng trở về Hải Phòng  tiếp tục hợp tác với cơ quan công an để chứng minh mình có tội hay không có tội trong Chuyên án Laptop. Đó là lời khuyên duy nhất đúng đối với anh Khánh lúc này. Hiện tại, ngoài Công an huyện An Dương, Công an huyện Thủy Nguyên cũng phát hiện và điều tra 3 vụ cướp laptop trên địa bàn, thủ phạm lại cũng khai nhận đã mang 3 laptop cướp được bán cho Phạm Ngọc Khánh. Công an huyện Thủy Nguyên đã có giấy triệu tập anh Khánh để điều tra làm rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỳ 2: Địa chỉ tiêu thụ đồ ăn cướp và người đàn ông kêu oan
Kỳ 2: Địa chỉ tiêu thụ đồ ăn cướp và người đàn ông kêu oan

(VOV) -Khi sự thật đi vào cửa chính, sự giả dối sẽ luồn qua cửa sổ 

Kỳ 2: Địa chỉ tiêu thụ đồ ăn cướp và người đàn ông kêu oan

Kỳ 2: Địa chỉ tiêu thụ đồ ăn cướp và người đàn ông kêu oan

(VOV) -Khi sự thật đi vào cửa chính, sự giả dối sẽ luồn qua cửa sổ 

Kỳ 1: Những kẻ "ăn hàng" máu lạnh
Kỳ 1: Những kẻ "ăn hàng" máu lạnh

(VOV) -Sau khi nhóm cướp bị tóm gọn, CA huyện An Dương cũng đang đối đầu với một luồng dư luận trái chiều

Kỳ 1: Những kẻ "ăn hàng" máu lạnh

Kỳ 1: Những kẻ "ăn hàng" máu lạnh

(VOV) -Sau khi nhóm cướp bị tóm gọn, CA huyện An Dương cũng đang đối đầu với một luồng dư luận trái chiều