Nộp sổ lâm bạ để được nhận tiền hỗ trợ:

Lại lừa bằng chiêu thức “bình cũ rượu mới”

Lần này, những kẻ trục lợi nói rằng thu gom sổ lâm bạ và giấy hợp đồng bảo vệ, khoanh nuôi, chăm sóc rừng của người dân để hỗ trợ người trồng rừng bị thiệt hại do bão số 11.

Trong năm 2009 ở Phú Yên đã từng xảy ra tình trạng một số cá nhân, tổ chức tự xưng là tìm được nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thu gom sổ lâm bạ của nhiều người dân trồng rừng. Ngành chức năng các cấp đã có thông báo tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ và nhân dân biết là không có nguồn vốn nào ở cả trong nước và nước ngoài hỗ trợ, phát triển các dự án trồng rừng, người dân phải cảnh giác, tránh bị lừa đảo. Thế nhưng, với chiêu thức “bình cũ rượu mới” vẫn có nhiều người tiếp tục bị mắc lừa.

“Ta” lại giúp “địch”

Một người tên Lê Thị Hẳn (gốc xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) thường trú tại Hà Nội đã nhờ sự quen biết của một số người dân ở địa bàn thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, (huyện Đông Hòa) vận động thu gom sổ lâm bạ và giấy hợp đồng bảo vệ, khoanh nuôi, chăm sóc rừng của nhiều người dân nói là để hỗ trợ người trồng rừng bị thiệt hại do bão số 11 từ một tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Không giống như các lần lừa bịp trước nói là xin tiền dự án hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng.

Ông Lê Trọng Lễ (SN 1945), anh Nguyễn Hữu Chốn (SN 1970) là nông dân ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam đã tin vào lời môi giới của bà Hẳn nên đã đem sổ lâm bạ, bản photo công chứng của gia đình và 2 sổ của hàng xóm kèm theo giấy uỷ quyền khăn gói đi liên hệ với Công ty TNHH Chế biến -Trồng trọt- Chăn nuôi Thịnh An Khương (tại văn phòng 210A, số 1 Bắc Sơn, Ba Đình- Hà Nội). Khi đến đây, người của công ty Thịnh An Khương hối thúc phải gom nhiều sổ lâm bạ, giấy hợp đồng chăm sóc bảo vệ rừng (càng nhiều càng tốt) để đủ gói làm thủ tục hỗ trợ.  Nghe vậy, ông Lễ và anh Chốn đã điện về nhà vận động thêm được 10 hộ nữa gửi hồ sơ ra Hà Nội để các “anh” làm giúp thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Tổng cộng có 14 sổ lâm bạ và giấy hợp đồng bảo vệ chăm sóc rừng của 14 hộ dân thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam (bao gồm bản chính và bản photo công chứng) với diện tích rừng sở hữu hơn 52ha kèm theo giấy ủy quyền toàn bộ cho ông Lễ đã được mang ra trao cho công ty nọ.

Lôi nông dân vào trò rắc rối

Anh Nguyễn Hữu Chốn cho biết: “Đến Hà Nội chúng tôi được công ty TNHH Thịnh An Khương thuê nhà nghỉ để tạm trú mà không phải trả tiền. Trong thời gian này, Công ty An Khương đã hướng dẫn làm đầy đủ các thủ tục, ký tên xác nhận nhiều bản hợp đồng để nhận tiền hỗ trợ với hai bên đại diện tư cách pháp nhân là bên A phía người dân (do ông Lê Trọng Lễ đứng tên đại diện), bên B là Công ty.

20 ngày sau, anh Nguyễn Hữu Chốn trở về nhà (ngày 6/1/2010) khi đã tiêu hết tiền mang theo mà chưa nhận được tiền hỗ trợ. Số tiền ông Lễ và anh Chốn chi tiêu ở Hà Nội trong đó có khoản lộ phí mà những người nhờ gửi hồ sơ của họ tự nguyện đóng góp, nhiều thì 400.000 đồng/người còn ít thì cũng 200.000 đồng/người.

“Công ty họ bảo có thể sẽ nhận được tiền hỗ trợ 15 triệu đồng/ha, khi nhận được tiền hỗ trợ, bên A phải trích tiền hoa hồng cho bên B 500.000đồng/ha! Nhưng không hiểu sao họ hứa mãi, cứ mai rồi lại mai. Tôi tính đã vài chục “cái mai” mà không thấy gì. Hết tiền tiêu tôi buộc phải về; trong khi ông Lê Trọng Lễ vẫn cố công ở lại Hà Nội để chờ đợi, theo keo”, anh Chốn kể lại.

Anh Chốn còn cho biết, tại nhà nghỉ mà Công ty An Khương thuê cho ở còn có nhiều người ở các tỉnh phía Bắc cũng lâm vào cảnh ngộ chờ đợi như ông. Có người bảo đã chờ 3 năm rồi, nay lại đến nữa để chờ nhận tiền vì nghe đâu công ty nói gần đến thời gian giải ngân rồi!

Ông  Nguyễn Văn Ngữ (SN 1954) là một thương binh nghèo ở thôn Hảo Sơn cho biết: “Tôi đưa mấy chú ấy một sổ lâm bạ với diện tích rừng 1,1 ha mang đi, nhưng trong hai người đi đã có một người về tay trắng. Thú thật giờ thì tôi đã nửa nghi, nửa ngờ chuyện này”.

Người thì hoang mang nhưng cũng có người xem như trò cá cược nếu nhận tiền hỗ trợ thì may, còn không nhận được coi như mất vài trăm nghìn đồng cũng chẳng to tát gì.

Bà Trần Thị Thu Hoa, một người có sổ lâm bạ với diện tích 7,9 ha trong thôn Hảo Sơn đã gửi hồ sơ đi, nói với vẻ vô tư: “Tôi cũng chẳng biết rõ thực hư chuyện này thế nào, nghe ông Lễ điện về bảo gửi hồ sơ ra, kèm với 500.000 đồng chi phí. Nghe vậy tôi gửi ra, được hay mất tui giao hết cho mấy ổng”, bà Hoa cho biết.

Chúng tôi đọc một bộ Hợp đồng mà anh Chốn mang về từ Hà Nội để tìm hiểu. Rốt cuộc, ông nông dân Lê Trọng Lễ đã ký kết với công ty An Khương thì phát hiện ra có nhiều có nhiều điều, khoản với những nội dung rắc rối, khó hiểu theo kiểu “đánh lận con đen”.

Tại điều 1 trong giấy hợp đồng có ghi rõ: “Sau khi thỏa thuận chúng tôi đi đến thống nhất công ty… là bên đứng đầu duy nhất và đại diện cho khối liên doanh trong việc hoạt động cũng như ký kết hợp đồng xin vay vốn, giải quyết các thủ tục liên doanh trong và ngoài nước cùng các tổ chức liên quan khác”.

Chúng tôi hỏi có đọc kỹ nội dung ghi trong hợp đồng này không thì anh Chốn tỏ ra bối rối và ngớ người ra. Lúc này mọi người trong xóm chứng kiến cuộc trao đổi của nhóm phóng viên với anh Chốn mới bắt đầu lộ rõ vẻ hoang mang, lo lắng!

Ông Đỗ Dậu, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết: “Lúc địa phương biết tình hình đã thông báo liên tục trên loa truyền thanh xã và kể cả yêu cầu các thôn tổ chức họp dân để phổ biến để nói rõ cho nhân dân biết đây là hành vi lừa đảo. Nhờ thế, có rất nhiều người cảnh giác được chiêu lừa dù đã làm đủ hồ sơ trước đó.!.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên