Làm sao hạn chế được các vụ án nghiêm trọng?
VOV.VN - Cần tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh các giải pháp phòng chống tội phạm, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục cho tầng lớp thanh thiếu niên trong phòng chống tội phạm.
Theo dõi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an trước Quốc hội, cử tri cho rằng, mặc dù công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân.
Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương - hung thủ trong vụ án giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước (Ảnh: Minh Anh) |
Cử tri cho rằng, hiện nay, tình hình tội phạm cùng các tệ nạn xã hội ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phát huy cao độ trách nhiệm trong công tác giữ gìn, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đồng, ở TP Phủ Lý tỉnh Hà Nam cho rằng, sự phát triển kinh tế thị trường ngày càng sâu rộng có nhiều thay đổi tới đời sống kinh tế xã hội, nhưng mặt trái của cơ chế thị trường đã có nhiều tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của một bộ phận nhân dân. Sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cùng các trào lưu tư tưởng lệch lạc, thiếu định hướng từ trong nước và nước ngoài đã gián tiếp tạo ra lối sống thực dụng, vô cảm, chạy theo các giá trị vật chất tầm thường, điều này thể hiện rõ nhất trong một số thanh thiếu niên phạm tội. Nếu không được gia đình, xã hội tuyên truyền, giáo dục kịp thời, sống không có niềm tin, thiếu bản lĩnh thì thanh thiếu niên rất dễ sa ngã, sống buông thả, dẫn đến những hành vi phạm tội.
Ông Đồng đề nghị Nhà nước cần tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh các giải pháp phòng chống tội phạm, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục cho tầng lớp thanh thiếu niên trong phòng chống tội phạm.
Những năm qua, tội phạm ở nước ta có chiều hướng gia tăng dưới nhiều hình thức như giết người, cướp của, buôn bán phụ nữ, ma túy, mại dâm, có một số băng nhóm giang hồ nổi lên, nạn đầu cơ, bảo kê ngày càng nhiều. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ông Nguyễn Như Thành, ở phố Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm thanh thiếu niên ở nước ta thời gian qua chưa tốt, chưa hiệu quả. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” còn tồn tại, hạn chế, thực hiện chưa đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế.
Ông Thành phân tích thêm: “Trong nhiều vụ trong án nghiêm trọng, hung thủ là đối tượng phạm tội lần đầu, điều đó cho thấy công tác giáo dục về phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, ảnh hưởng ở nhiều mặt xã hội dẫn đến phạm tội rất nghiêm trọng. Rồi nhiều tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp, tinh vi. Trong khi đó, nếu chỉ có ngành công an đấu tranh với tội phạm sẽ không hiệu quả, đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp, tích cực vào cuộc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân. Nhà nước cũng cần đầu tư nguồn lực hơn nữa cho công tác đấu tranh với tội phạm. Công an, giáo dục, chính quyền địa phương tập trung làm tốt công tác giáo dục cho thanh thiếu niên”.
Liên quan đến đấu tranh với tội phạm tham nhũng cử tri cho rằng, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý đấu tranh với tội phạm tham nhũng vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó. việc xử lý hành vi, tội phạm tham nhũng chưa nghiêm, chưa kịp thời để tạo được sức răn đe. Cử tri kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng đã được phát hiện.
Cử tri Lê Huy Bình, phường Đồng Tâm Quân Hai Bà Trưng Hà Nôi đề nghị: Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ tham nhũng lớn. Trong các giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh với tội phạm tham nhũng là giải pháp phải được các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách cụ thể về bảo vệ người tố cáo, tố giác tham nhũng.
Cử tri mong muốn, những hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống tội phạm cần nhanh chóng được khắc phục, đưa ra các giả pháp thực hiện hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm góp phần quan trọng trong giữ gìn bình yên cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn tới./.
Nghe âm thanh tại đây: