"Lang băm" tràn lan: Quản lý Nhà nước lỏng lẻo?
VOV.VN - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền – Bộ Y tế cho rằng, để tình trạng "lang băm" tràn lan một phần do trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Câu chuyện một thầy lang ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang không có bằng cấp chuyên môn, không có giấy phép khám chữa bệnh, chữa hiếm muộn bằng cách quan hệ tình dục với bệnh nhân đang gây xôn xao dư luận. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “lang băm”, “lang vườn” tràn lan, gây nhiều hệ lụy suốt thời gian qua.
Vì sao các thầy lang tự xưng đua nhau "nổ" về khả năng chữa bệnh? Cần truyền thông ra sao để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này? Công tác quản lý của cơ quan chức năng nên có sự thay đổi, điều chỉnh như thế nào để không còn sự nhập nhèm giữa lương y và "lang băm", giữa những bài thuốc thật và... bài thuốc đồn thổi?
Tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” đẩy người dân sự đến sự lựa chọn thiếu tỉnh táo
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế thông tin, theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh thì chỉ những ai được cấp chứng chỉ hành nghề mới được khám chữa bệnh và phải khám bệnh, chữa bệnh đúng theo chuyên môn được quy định tại chứng chỉ hành nghề.
Việc người bệnh bị lôi kéo, dẫn dắt đến phòng khám không được cấp phép hoạt động, làm những kỹ thuật không có trong danh mục được Bộ Y tế ban hành, theo ông Tuấn là do bị tuyên truyền, lừa gạt, cò mồi, tâm linh, tín ngưỡng và rất nhiều lý do khác. Để chấn chỉnh hoạt động này thì chính quyền địa phương sở tại phải kiên quyết dẹp bỏ cơ sở này theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu để không bị lôi kéo. Còn đối với người dân, khi đi khám bệnh cần phải lựa chọn những cơ sở được cấp có thầm quyền cho phép.
Đối với trường hợp cụ thể ở huyện Lục Ngạn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng, cơ cở này đã vi phạm Nghị định 117 ngày 28/9/2020 về quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cơ sở này đã lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của người bệnh.
Cơ sở này khi khám bệnh, chữa bệnh, không có chứng chỉ hành nghề. Đây là điều sai trái vô cùng nặng trong Nghị Định 117 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Tuấn, chính tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” đã đưa đẩy con người ta đến những lựa chọn thiếu tỉnh táo.
“Tôi chưa tìm hiểu kỹ, nhưng ngoài vấn đề nêu trên, có thể liên quan đến tín ngưỡng, niềm tin, văn hóa,… cần phải nghiên cứu. Có ý kiến cho rằng, do có sự hạn chế về vùng miền. Tuy nhiên theo tôi, Lục Ngạn không phải miền núi xa xôi lạc hậu. Do mong muốn mãnh liệt có một đứa con nên đẩy họ đến việc làm này”- ông Tuấn nói
Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền thông tin thêm, tại nhiều địa bàn trên cả nước xuất hiện tình trạng người không có bằng cấp hành nghề khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo Quy định của Luật Khám chữa bệnh, chỉ có hai nơi có đủ thẩm quyền để cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề về khám bệnh, chữa bệnh đó là Bộ Y tế và Sở Y tế thuộc các tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi được cấp chứng chỉ, người có chứng chỉ hành nghề được hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo đúng chuyên môn được cấp trên chứng chỉ. Nhưng theo quy định, một người chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn một cơ sở khám chữa bệnh theo phạm vi được cấp. Khi hành nghề ở địa phương nào thì phải đăng ký với Sở Y tế địa phương đó và được sở y tế cho phép mới được hành nghề.
Về kiểm soát hoạt động hành nghề, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, hệ thống y tế của chúng ta hiện nay đang chia quản lý nhà nước gồm có 4 cấp; Trung ương, tỉnh, huyện, xã, phường thị trấn. Do vậy, nếu có bất thường, sai phạm thì xã phải báo cáo huyện, huyện phải báo cáo Sở Y tế kịp thời để chấn chỉnh hoạt động. Nặng thì thu hồi giấy phép hoạt động, hoặc chứng chỉ hành nghề. Nếu hành nghề không phép, gây hậu quả cần phải xử lý hình sự.
“Theo tôi để việc một ông không có trình độ, mới học lớp 7, vô tư chữa bệnh cũng là vấn đề. Mặc dù đã lập biên bản xử phạt nhiều lần, nhưng tính răn đe chưa đủ để lang băm này chấm dứt hành nghề”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, về lâu dài, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền đã đề ra kế hoạch cụ thể để khẩn trương chấn chỉnh hoạt động của “lang băm”, “lang vườn” tràn lan hiện nay.
Y tế và văn hóa cần song hành giải quyết vấn đề này
Về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, để các cơ sở khám chữa bệnh không có căn cứ về khoa học và không có giấy phép ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm, sai phạm này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo bà Hồng, điều đáng buồn hơn đây không phải trường hợp đơn lẻ, việc này đã xảy ra ở nhiều địa phương. Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao những cơ sở đó được tiếp tục tồn tại?
Bà Hồng cho rằng, một khi các phòng khám này tồn tại chắc chắn họ có nhiều chiêu trò, cũng như thủ đoạn để lừa gạt người dân. Họ đưa ra các thông tin rất huyễn hoặc về tính màu nhiệm, về giải pháp của họ khiến cho người dân tin và sẵn sàng bỏ tiền trải nghiệm.
Qua đây, theo bà Khuất Thu Hồng, nhận thức của người dân cũng cần phải thay đổi. Cùng với đó, báo chí truyền thông cần phải tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Nếu chúng ta tin tưởng những cơ sở chữa bệnh này sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Việc người dân nhiều nơi tin vào các "lang băm" hơn việc tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện, bà Khuất Thu Hồng cho rằng, y học cổ truyền của chúng ta bắt nguồn từ xa xưa, ở đấy kết hợp cả yếu tố văn hóa và tâm linh nên rất nhiều người cho rằng, yếu tố tâm linh giúp cho họ giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Và nhiều người tin rằng, căn bệnh của mình liên quan đến yếu tố huyền bí, đến kiếp trước, vong, hay các thế lực thần bí khác. Việc chữa trị cho họ không phải là phương pháp điều trị khoa học bằng thuốc tây mà giải pháp liên quan đến yếu tố tâm linh.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Hồng không phải là trách nhiệm của ngành y tế mà ngành văn hóa cũng phải tham gia vào đây để thay đổi suy nghĩ, những quan niệm của người dân về việc chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh thế nào cho hiệu quả nhất./.