Lao động hợp đồng có được hưởng phụ cấp độc hại tại phòng thí nghiệm?

VOV.VN - Nếu hợp đồng lao động có nội dung thỏa thuận về việc được hưởng phụ cấp độc hại thì người lao động mới được chi trả tiền phụ cấp độc hại.

Báo Điện tử VOV nhận được một câu hỏi của một độc giả như sau: 

“Hiện nay tôi đang công tác tại Phòng thí nghiệm thuộc một Trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là Nghiên cứu viên và làm việc trực tiếp tại Phòng thí nghiệm. Tôi thuộc diện ký hợp đồng làm việc không thời hạn nhưng tôi chưa thi viên chức hay công chức của trường, mà chỉ là người lao động.

Tôi được biết, tôi làm việc tại Phòng thí nghiệm trong môi trường độc hại và phải được chi trả tiền độc hại, nhưng tôi đã làm đơn nhiều lần gửi tới Phòng tổ chức cán bộ của trường thì không được giải quyết và hưởng chế độ độc hại theo một quy định nào đó mà tôi chưa nắm rõ. Phòng tổ chức cán bộ của nhà trường chỉ dựa vào căn cứ là tôi chưa phải là viên chức nên không được hưởng tiền độc hại đó. Nay tôi viết email này mong Báo Điện tử VOV có thế tư vấn giúp tôi giải quyết vấn đề này. Tôi mong nhận được các thông tư hướng dẫn, các quy định mà tôi có thể căn cứ vào đó để đòi hỏi quyền lợi"?

Báo Điện tử VOV đã đã chuyển câu hỏi của độc giả tới Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), và nhận được lời tư vấn như sau:

Thứ nhất, cần phải xác định ngành nghề bạn đang làm có thuộc trường hợp được hưởng phụ cấp độc hại hay không?

Theo đó, để xác định người lao động có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không thì cần phải căn cứ vào Danh mục nghề công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm mới nhất được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể là những ngành nghề sau:

“- Khai thác khoáng sản; Cơ khí, luyện kim; Hoá chất; Vận tải; Xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi;

- Điện; Thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông; Sản xuất xi măng; Sành sứa, thuỷ tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ; Da giày, dệt may;

- Nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuối - chế biến gia súc, gia cầm); Thương mại; Phát thanh, truyền hình; Dự trữ quốc gia;

- Y tế và dược; Thuỷ lợi; Cơ yếu; Địa chất; Xây dựng (xây lấp); Vệ sinh môi trường; Sản xuất gạch, gốm, sứ, đá, cát, sỏi, kinh xây dựng, vật liệu xây dựng; Sản xuất thuốc lá;

- Địa chính; Khí tượng thuỷ văn; Khoa học công nghệ; Hàng không; Sản xuất, chế biến muối ăn; Thể dục - Thể thao, văn hoá thông tin; Thương binh và xã hội; Bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát;

- Du lịch; Ngân hàng; Sản xuất giấy; Thuỷ sản; Dầu khí; Chế biến thực phẩm; Giáo dục - đào tạo; Hải quan; Sản xuất ô tô xe máy.”

Bạn căn cứ vào những ngành nghề nêu trên để đối chiếu với công việc mình đang làm hiện tại nhằm xác định ngành nghề của mình có được hưởng phụ cấp độc hại hay không.

Thứ hai, về đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại theo quy định của pháp luật.

Đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại theo quy định tại Mục I Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định về thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

“ I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:

1. Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

2. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.”

Theo quy định trên, mức phụ cấp độc hại đối với người làm công việc trong phòng thí nghiệm hiện nay sẽ chỉ áp dụng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc trong các phòng thí nghiệm thuộc cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Còn trường hợp của bạn đang là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì sẽ không thuộc đối tượng đương nhiên được áp dụng phụ cấp độc hại nêu trên.

Tuy nhiên, tại khoản 4 Mục III Thông tư 07/2005/TT-BNV có quy định “Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm những công việc độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm (nếu có) được thoả thuận trong hợp đồng lao động.”

Vì vậy, trong trường hợp Hợp đồng lao động được giao kết giữa bạn và Trường Đại học nơi bạn đang làm việc có nội dung thỏa thuận về việc bạn được hưởng phụ cấp độc hại thì bạn có quyền yêu cầu nhà trường thực hiện việc chi trả tiền phụ cấp độc hại cho mình.

Ngược lại, nếu bạn và Trường Đại học kia không có thỏa thuận về việc bạn được hưởng phụ cấp độc hại thì bạn sẽ không được hưởng phụ cấp độc hại./.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí sinh Miss Earth “sốc” trước những trải nghiệm môi trường sống
Thí sinh Miss Earth “sốc” trước những trải nghiệm môi trường sống

VOV.VN - Tập 5 của series truyền hình thực tế Miss Earth Việt Nam 2023: Hành trình Trái tim Xanh đã khép lại lộ trình đầu tiên liên quan đến những kỹ năng của thí sinh như photoshoot, catwalk… 

Thí sinh Miss Earth “sốc” trước những trải nghiệm môi trường sống

Thí sinh Miss Earth “sốc” trước những trải nghiệm môi trường sống

VOV.VN - Tập 5 của series truyền hình thực tế Miss Earth Việt Nam 2023: Hành trình Trái tim Xanh đã khép lại lộ trình đầu tiên liên quan đến những kỹ năng của thí sinh như photoshoot, catwalk… 

Thành lập Phòng thí nghiệm AI tại Việt Nam
Thành lập Phòng thí nghiệm AI tại Việt Nam

VOV.VN - Việc hợp tác sẽ đào tạo ra các tài năng trẻ về 5G, cũng như những ứng dụng AI, giúp đẩy nhanh lộ trình công nghiệp 4.0 của Việt Nam cũng như tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của ASEAN vào năm 2030.

Thành lập Phòng thí nghiệm AI tại Việt Nam

Thành lập Phòng thí nghiệm AI tại Việt Nam

VOV.VN - Việc hợp tác sẽ đào tạo ra các tài năng trẻ về 5G, cũng như những ứng dụng AI, giúp đẩy nhanh lộ trình công nghiệp 4.0 của Việt Nam cũng như tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của ASEAN vào năm 2030.