Lừa đảo tân sinh viên trước thềm năm học mới: Chuyên gia cảnh báo gì?
VOV.VN - Thời gian này là lúc các tân sinh viên đang làm thủ tục nhập học trực tiếp tại các trường CĐ, ĐH. Các đối tượng xấu đã lợi dụng lúc này để các nhắn tin lừa đảo có nội dung mời làm thủ tục nhập học, nộp tiền
Mới đây, Trường Đại học Sài Gòn thông tin về việc một số thí sinh trúng tuyển nhận được tin nhắn yêu cầu đóng lệ phí nhập học năm 2024 với số tiền 6.953.000 đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn trong tin nhắn lừa đảo. Hàng loạt các trường đại học trên địa bàn TPHCM cũng đưa ra cảnh báo đối với hình thức lừa đảo này.
Theo các chuyên gia, thời gian này là lúc các tân sinh viên đang làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến đồng thời nhập học trực tiếp tại các trường CĐ, ĐH. Các đối tượng xấu đã lợi dụng lúc này để các nhắn tin lừa đảo có nội dung mời làm thủ tục nhập học, nộp tiền. Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của trường đại học. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh là nhân viên của trường đại học và gửi email hoặc gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí qua các phương thức không chính thức. Đối tượng cũng có thể sẽ thông qua các phương thức lừa đảo như email giả mạo hoặc tin nhắn giả mạo, để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.
Để giúp tân sinh viên nhận diện thủ đoạn này, PV VOV trao đổi với Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, Khoa Nghiệp vụ điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân.
PV: Hiện nay, trong rất nhiều chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì có nhiều chiêu trò lừa đảo mới bủa vây tân sinh viên. Trung tá có đánh giá thế nào trước những diễn biến mới của tội phạm?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Hiện nay, các bạn sinh viên mới nhập học có thể bị rất nhiều đối tượng sử dụng các chiêu trò để có thể chiếm đoạt được tài sản của các bạn. Có thể liên quan đến một số hành vi như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản.
Cụ thể, một số đối tượng lợi dụng hình thức đóng học phí, hoặc hình thức đưa các bạn này vào những nơi ở thuận lợi ở như ký túc xá, hoặc khu vực nhà ở trong nhà trường như mong muốn của các bạn và gia đình.
Để làm được như thế, các bạn tân sinh viên phải chuyển cho đối tượng này một khoản tiền nhất định, thông qua các số tài khoản trên mạng xã hội.
PV: Trung tá có thể phân tích kỹ hơn, các chiêu trò lừa đảo cụ thể đang bủa vây sinh viên?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Chúng tôi thấy rằng, các thủ đoạn lừa đảo này có thể hình thành ngay thời điểm ban đầu. Tức là, trong các giai đoạn chuẩn bị, các đối tượng này đi tìm kiếm, mà không gian tìm kiếm ở đây là facebook, hoặc các trang mạng xã hội. Đặc biệt, là trong nhóm hội liên quan đến trường Đại học, hoặc các trường mà các bạn mới nhập học. Trong đó, họ cũng thành lập nhóm hội liên quan đến tân sinh viên, và nhu cầu của các bạn.
Khi đã xuất hiện những nhu cầu này, các đối tượng sẽ tiếp cận từng cá nhân, hoặc tiếp cận theo nhóm, để có thể liên kết với các bạn để thực hiện hành vi lừa đảo.
PV: Thậm chí, sau khi các tân sinh viên đã nhập học ổn định, các chiêu trò lừa đảo vẫn bủa vây tân sinh viên. Đặc biệt, khi các tân sinh viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Trung tá có nhận định gì về thực trạng này?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Những nhu cầu của bạn tân sinh viên, ở đây chúng ta có thể đề cập đến rất nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn so với các bạn sinh viên khác, nên có thể có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Nhưng cũng có những bạn có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống sinh viên. Các bạn này, khi được xác định mình đã là một thanh niên thì các bạn có nhu cầu liên kết các nhóm, để hình thành nên những công việc mới khi trở thành sinh viên.
Lợi dụng điều này, các đối tượng thực hiện các hoạt động tiếp cận với các tân sinh viên, giới thiệu việc làm.
Và với tâm lý chưa phát triển toàn diện, ra đời sống xã hội để thực hiện các hoạt động trải nghiệm ở bên ngoài, các bạn sinh viên mới này có thể sẽ tiếp xúc các đối tượng lừa đảo và làm theo các nhu cầu của đối tượng. Trong đó, chúng ta không loại trừ khả năng các bạn phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để làm theo những yêu cầu của đối tượng, nhằm đổi lấy thông tin với mong muốn mình có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp.
PV: Một diễn biến mà tội phạm lừa đảo công nghệ cao cũng đã và đang nhắm đến tân sinh viên, đó là nhờ đứng ra mở tài khoản tại các ngân hàng, sau đó chúng mua lại tài khoản này để phục vụ mục đích lừa đảo. Có thể nói, đây là hành vi rất nguy hiểm mang đến nhiều hệ luỵ xấu với sinh viên. Qua những diễn biến thực tế, Trung tá có những cảnh báo gì về thực trạng này?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Chúng tôi thấy rằng, hành vi của các đối tượng lừa đảo, lừa các tân sinh viên, học sinh không phải mới. Bởi, các nhóm đối tượng này có thể tiếp cận các bạn học sinh ngay từ thời điểm cấp 3.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng Bankking trên điện thoại của tất cả người dân gần như đã trở thành nhu cầu phổ thông.
Dó đó, một số trường hợp vì lợi ích trước mắt, các bạn này có thể đăng ký những tài khoản ngân hàng khác nhau, và các bạn cho rằng, mình không sử dụng tài khoản đó thì có thể bán cho người khác kiếm một khoản tiền nhất định.
Do đó, đối với những trường hợp này, chúng tôi đưa ra một lời khuyên. Đó là, đối với các bạn sinh viên mới, chúng ta chỉ nên sử dụng những tài khoản thường xuyên của mình.
Và nếu có nhu cầu sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để có thể hưởng được nhiều ưu đãi, mình phải kiểm soát được môi trường ngân hàng, và các tài khoản ngân hàng mình đăng ký. Tránh những trường hợp mà mình có thể trở thành những người mà lâm vào tình huống rắc rối liên quan đến đơn vị chức năng về những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
PV: Để ngăn ngừa tình trạng này, ngoài việc hiện nay các trường đã phát đi thông báo để cảnh báo, theo Trung tá, chúng ta cần những giải pháp gì?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Chúng tôi cho rằng, ngoài việc nhà trường đưa ra những cảnh báo, hiện tại, chúng ta cần tiếp tục tăng cường các hoạt động của các đơn vị chức năng, đặc biệt phía cơ quan điều tra, hay những đơn vị tuyên truyền liên quan đến các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, các đơn vị chức năng cần có kế hoạch phối kết hợp với nhà trường thực hiện các buổi off line trao đổi trực tiếp với các sinh viên, tân sinh viên. Phương thức này giúp các em tiếp cận rất nhanh. Đặc biệt, trong các trường hợp liên quan các thủ đoạn lừa đảo mới đang rất rầm rộ hiện nay.
Vấn đề nữa, đối với tự thân các bạn sinh viên, các bạn cũng cần ý thức được rằng, mình đang trở thành những “miếng mồi ngon” bị nhắm tới của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các bạn phải có ý thức tự bảo vệ mình và tìm kiếm những thông tin về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
PV: Về phía các tân sinh viên rất hay bị các đối tượng xấu nhắm đến vì chưa quen với môi trường mới và thường thiếu kinh nghiệm. Theo Trung tá, các bạn cần lưu ý thế nào?
Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh: Chúng tôi cho rằng, một số lưu ý mà bắt buộc chúng ta cần nắm được khi người khác muốn tiếp cận chúng ta. Thứ nhất, có những người làm quen mới. Thứ hai, có những lời giới thiệu, đưa ra những thông tin để giúp các bạn và có thể đánh vào tâm lý của các bạn, nhu cầu của các bạn.
Do vậy, chúng ta phải tìm hiểu kỹ những thông tin này và sàng lọc xem những thông tin nào nó có thể mang lợi ích cho mình và mình thực sự có thể thực hiện được những hoạt động đó?. Và nó có thể mang lại những giá trị trong cuộc sống, đặc biệt trong cuộc sống sinh viên của các bạn?
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu những thông tin này được gắn kết với ai, gắn kết với đơn vị nào, đơn vị đó có chính thống hay không? Và nếu chúng ta có tìm hiểu, chúng ta cũng có thể hành động trực tiếp với đơn vị trung gian như chuyển khoản. Hoặc gặp gỡ với các người đó một cách trực tiếp, với những đơn vị trực tiếp có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để có thể giải quyết các nhu cầu của sinh viên.
PV: Cảm ơn Trung tá.!