Mạo danh công an để lừa đảo với thủ đoạn vô cùng tinh vi

VOV.VN - Gần đây, nhiều đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án và các cơ quan chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.

Thời gian qua, lực lượng công an đã và đang tập trung triệt phá và đưa ra nhiều cảnh báo về các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Nổi bật gần đây, nhiều đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án và các cơ quan chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.

Thủ đoạn vô cùng tinh vi

Mới đây nhất, sáng 2/1/2025 khi đang trong giờ làm việc thì chị H.M.H. (23 tuổi, nhân viên một công ty đóng trên địa bàn TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0247.778.5018. Đầu dây bên kia nói là trung uý công an, đang công tác tại Công an quận Thanh Xuân,TP. Hà Nội, mời chị H., lên làm việc ngay để xác minh một số thông tin liên quan tới 1 vụ án hình sự nghiêm trọng.

Do đang công tác tại TP.HCM, nên chị H. từ chối, nói không thể về Hà Nội ngay được, có vấn đề gì có thể trao đổi trực tiếp qua điện thoại.

Thấy chị H. mở lời, ngay lúc này kẻ lừa đảo thông tin, chị H. đang là nghi can trong vụ án rửa tiền, buôn bán ma tuý, mã số 021-389. Nếu công an không xác minh được thông tin ngay trong hôm nay thì sẽ phát lệnh truy nã và khởi tố chị, vì 3-15 ngày tới sẽ xét xử đường dây này do đối tượng Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

Thấy chị H., tỏ ra không tin, các đối tượng lừa đảo yêu cầu chị tìm kiếm thông tin trên messenger của tài khoản Ngoctrangkiemsatvien để gửi hình ảnh vụ án.

“Họ đe dọa nếu không xác minh thông tin trong hôm nay sẽ tạm giữ tôi. Sợ phải tạm dừng công việc nên tôi không dám cúp máy. Sau đó, họ nối máy cho tôi gặp một người tự xưng cán bộ công an TP. Hà Nội, tên Phạm Tuấn Anh. Họ đọc đầy đủ số quân nhân, và người này là Đội trưởng Đội điều tra tội phạm kinh tế. Người này lớn giọng, có thái độ doạ nạt và không cho tôi cúp máy, nếu phát hiện tôi tiết lộ thông tin vụ án ra ngoài họ sẽ bắt tôi và tôi sẽ chịu mức án 2-7 năm tù (chúng nói đây là vụ án bảo mật quốc gia cấp độ 2)” - chị H. kể lại

Theo lời kể chị H. sau khi đe doạ khiến chị lo lắng, các đối tượng bắt chị chụp lại màn hình số dư các tài khoản ngân hàng và ví điện tử đang dùng, kèm theo giao dịch 3 ngày gần nhất và gửi vào messenger của người tự xưng là kiểm sát viên kia.

Lúc này, chị H. chụp lại 2 số dư khoản ngân hàng, 1 là tài khoản thanh toán và 2 là tài khoản tiết kiệm. Sau khi nắm được số tiền trong tài khoản thanh toán, các đối tượng lừa đảo gửi cho chị H. hình ảnh và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mang tên KTNN để bàn giao kiểm kê. Nội dung chuyển khoản là “Họ tên BGKK”.

Trong quá trình giao dịch các đối tượng lừa đảo không cho chị H. ngắt máy. 

Nhớ lại khoảng thời gian này, chị H. cho biết, mình như bị thao túng tâm lý, khi họ dồn chị làm việc đến cùng và nói rằng nếu ngừng giao tiếp, giao dịch chuyển tiền đó là hành vi chống đối người thi hành công vụ.

“Nếu ngắt có thể đang thủ tiêu chứng cứ và báo cho các đối tượng tình nghi khác, như vậy họ sẽ phát lệnh truy nã ngay. Vì lo sợ, tôi đã giữ máy trong suốt 1 tiếng đồng hồ và chuyển số tiền gần 2 triệu đồng. Tới khi chúng nói phải tất toán cả sổ tiết kiệm và chuyển vào tài khoản của chúng để kiểm kê thì tôi mới chợt nhận ra điểm vô lý và dừng lại”- chị H., kể lại.

Sau khi phát giác các đối tượng này là lừa đảo, chị H. ngưng liên lạc. Và theo lời kể của chị H., các đối tượng này đã có những lời nói công kích, xúc phạm và vô đạo đức nhắn cho chị. Đồng thời chúng cũng xoá hết dấu vết và ảnh đã gửi trước đó.

Theo chị H., tuy số tiền lừa đảo không phải là quá lớn, nhưng chị còn may mắn hơn người khác vì kịp thời phát hiện hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng này. Nếu không, trước những lời đe doạ của các đối tượng lừa đảo chị đã chuyển hết số tiền cả ở tài khoản tiết kiệm.

Chị H. không phải là trường hợp duy nhất gặp tình trạng này. Theo cơ quan công an, hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào những ngày cuối năm, giáp Tết Nguyên đán 2025 với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Cụ thể, ngày 12/12/2024, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội triệt xóa đường dây chuyên mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời khởi tố 4 bị can về tội danh nêu trên.

Theo đó, ngày 20/8/2024, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của chị V.T.H. (trú tại phường Đại Mỗ) về việc bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Theo trình báo của chị H. khoảng 19h, ngày 20/8, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại từ người lạ, người này xưng tên Nam, cán bộ Công an quận Nam Từ Liêm thông báo con gái chị làm căn cước công dân bị lỗi.

Chị H. được Nam hướng dẫn truy cập vào một đường link có tên dichvucong tải ứng dụng để cập nhật thông tin căn cước công dân cho con. Theo hướng dẫn, chị H. đăng ký tài khoản và quét khuôn mặt để đồng bộ dữ liệu.

Sau đó, chị phát hiện tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch chuyển số tiền 371,5 triệu đồng đến tài khoản Ngân hàng SHB mang tên Tạ Anh Trường. Nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chị H. đến Công an quận Nam Từ Liêm gửi đơn tố giác.

Vào cuộc xác minh, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm xác định những người giả danh cơ quan công an hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng viễn thông và công nghệ cao để lừa đảo. Toàn bộ cuộc gọi và địa chỉ IP chuyển khoản ngân hàng đều diễn ra tại Campuchia.

Cơ quan điều tra xác định, họ sử dụng 50 tài khoản ngân hàng để sang Campuchia gia nhập đường dây do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt. Sau đó, khi có tiền về tài khoản, nhóm này sẽ chuyển sang các ngân hàng của người thuê. Trong khoảng thời gian 15 ngày, tổng số tiền luân chuyển qua các tài khoản của 4 thanh niên là 158,5 tỉ đồng. Nạn nhân bị chiếm đoạt nhiều nhất hơn 2 tỉ đồng.

Công an liên tục ra cảnh báo

Liên quan tình trạng này, Bộ Công an liên tục phát đi cảnh báo thủ đoạn này. Theo Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan công an được biết. Mặc dù, nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Bộ Công an nêu rõ, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người phụ nữ bị mất 500 triệu đồng vì cài đặt phần mềm giả mạo Bộ Công an
Người phụ nữ bị mất 500 triệu đồng vì cài đặt phần mềm giả mạo Bộ Công an

VOV.VN - Chị L. nhận được cuộc gọi giả danh cơ quan Công an, yêu cầu chị L. cài đặt phần mềm để chỉnh sửa thẻ căn cước bị lỗi của con gái. Sau khi cài đặt xong, chị L. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 500 triệu đồng.

Người phụ nữ bị mất 500 triệu đồng vì cài đặt phần mềm giả mạo Bộ Công an

Người phụ nữ bị mất 500 triệu đồng vì cài đặt phần mềm giả mạo Bộ Công an

VOV.VN - Chị L. nhận được cuộc gọi giả danh cơ quan Công an, yêu cầu chị L. cài đặt phần mềm để chỉnh sửa thẻ căn cước bị lỗi của con gái. Sau khi cài đặt xong, chị L. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 500 triệu đồng.

Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, cụ bà ở Hà Nội bị mất 5 tỷ đồng
Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, cụ bà ở Hà Nội bị mất 5 tỷ đồng

VOV.VN - Nhận điện thoại của người tự xưng công an nói mình đang liên quan đến một vụ án, bà H. đến ngân hàng chuyển 5 tỷ đồng cho các đối tượng.

Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, cụ bà ở Hà Nội bị mất 5 tỷ đồng

Sập bẫy cuộc gọi giả mạo công an, cụ bà ở Hà Nội bị mất 5 tỷ đồng

VOV.VN - Nhận điện thoại của người tự xưng công an nói mình đang liên quan đến một vụ án, bà H. đến ngân hàng chuyển 5 tỷ đồng cho các đối tượng.

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng
Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

VOV.VN - Sau khi tin lời kẻ giả mạo công an, làm theo hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử và tích hợp thông tin cá nhân, số tiền hơn 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của một cô giáo mầm non ở Lai Châu "không cánh mà bay".

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

Tin lời giả mạo công an, cô giáo ở Lai Châu mất hơn 300 triệu đồng

VOV.VN - Sau khi tin lời kẻ giả mạo công an, làm theo hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử và tích hợp thông tin cá nhân, số tiền hơn 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của một cô giáo mầm non ở Lai Châu "không cánh mà bay".