Nam Giang - Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng

Những cánh rừng đầu nguồn, kể cả rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cũng bị xâm hại. Hàng ngàn động vật hoang dã, thú quý bị sát hại…          

5 năm qua, các cơ quan chức năng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã xử lý gần 1.400 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tạm giữ 180 phương tiện, gần 3.500m3 gỗ các loại và nhiều cá thể động vật và sản phẩm động vật hoang dã.

Điều đáng lo là, các đầu nậu gỗ lậu và các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng manh động, tấn công cả lực lượng chức năng khi bị ngăn chặn, truy bắt.

Ngoài ra, các đối tượng vận chuyển gỗ lậu còn dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng, như sử dụng môtô, ô tô cản đường khi bị truy bắt; xe chở gỗ lậu chạy bạt mạng, lạng lách, đánh võng trên đường.

Kiểm tra vụ phá rừng bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Ảnh:VNN)

Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nam Giang càng khó khăn khi một bộ phận người dân nghèo tại địa phương và các vùng lân cận trực tiếp vào rừng hoặc tiếp tay cho các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ông Lê Văn Hường, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Giang, tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Chúng ta cần có cơ chế tăng cường hỗ trợ bảo vệ rừng. Hiện công cụ hỗ trợ lực lượng kiểm lâm rất hạn chế, chế độ chính sách chưa đáp ứng nhu cầu, biên chế ít nên không thể quản lý cả một diện tích rừng rộng lớn.

Cũng theo ông Hường, giải quyết vấn đề phá rừng phải sớm có quy hoạch, giải quyết giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý và hưởng lợi trên đất rừng. Nếu không thì dân không mặn mà với công tác bảo vệ rừng.

Từ đầu năm đến nay, cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã phối hợp với chính quyền các xã ở 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi lâm tặc và các đối tượng đào đãi vàng trái phép trong khu bảo tồn; đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi địa bàn.

Tuy nhiên, theo  ông Nguyễn Văn Lên, Phó trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, huyện Nam Giang cái khó là có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống trong khu vực. Ngoài việc đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm cũng thành lập các tổ bảo vệ rừng, xây dựng hương ước cộng đồng để nhân dân tham gia bảo vệ rừng.

Nam Giang là huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam có diện tích rừng khá lớn, công tác quản lý và bảo vệ rừng còn nhiều lỏng lẻo nên xuất hiện nhiều “điểm nóng” về phá rừng. Do đó, ngoài việc tăng cường lực lượng, trang thiết bị, kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam còn phải giải quyết bài toán tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; đồng thời có những chế tài mạnh đủ sức răn đe đối với những người khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên