Ngăn chặn tội phạm “lách luật” để mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép
VOV.VN - Từ những linh kiện rời rạc được đặt mua trên mạng, nhiều đối tượng đã lắp ráp thành những khẩu súng quân dụng có tính sát thương cao. Đây cũng chính là phương thức, thủ đoạn chủ yếu mà các đối tượng sử dụng để mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí trái phép hòng thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật.
Trong chuyên án tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng vừa bị Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh triệt phá, tang vật thu giữ là hàng loạt vũ khí quân dụng gồm 4 khẩu súng ngắn (dạng ổ xoay), 55 viên đạn và nhiều bộ phận, linh kiện súng khác.
Đối tượng cầm đầu Đỗ Ngọc Điệp (SN 1996, trú tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) khai nhận, số linh kiện này mua của nhiều đối tượng qua mạng telegram: “Trong nhóm có nhiều anh em bán mô hình súng đạn thạch và kim hỏa. Em có mua một khẩu ZB5 độ sẵn rồi, qua hình thức COD nhận hàng trả tiền.
Vài ngày sau em lại đặt mua thêm một mô hình ZB5 với giá là 1,8 triệu đồng, kim hỏa với giá 900.000 đồng về mày mò và độ theo khẩu thứ nhất em mua. Đầu tháng 5, em lại tò mò đặt thêm 2 cây nữa, em đang chế tạo thì bị lực lượng cơ quan chức năng vào kiểm tra hành chính và thu giữ”.
Không chỉ sử dụng mạng xã hội Telegram đặt máy chủ ở nước ngoài để giao dịch, các đối tượng tinh vi sử dụng nick ảo, cài đặt chế độ tự xóa tin nhắn để xóa dấu vết. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội rao bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, clip hướng dẫn chế tạo, lắp đặt vũ khí quân dụng cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Để vận chuyển, các đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong kiểm tra hàng hóa của các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính, qua đó trà trộn hàng cấm vào các bưu kiện, bưu phẩm gửi cho người mua hàng. Quá trình làm thủ tục gửi hàng, các đối tượng thỏa thuận với nhau sử dụng tên, địa chỉ giả nhằm tránh sự truy vết của lực lượng chức năng.
Khi có thông báo của nhân viên giao hàng, các đối tượng sẽ thay đổi địa điểm nhận hàng hoặc thuê người đến nhận hàng rồi mang về địa điểm cất giấu, sau đó bán lẻ cho những người có nhu cầu.
Đại úy Nguyễn Văn Hiếu, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Cẩm Phả cho biết: “Qua công tác đấu tranh, quản lý đối tượng liên quan đến phòng chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chúng tôl đánh giá đa số các đối tượng này thường có tiền án tiền sự, tuổi đời còn trẻ, manh động, thích thể hiện bản thân. Mục đích ý đồ của các đối tượng khi tàng trữ vũ khí là để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính buôn bán, vận chuyển vũ khí trên địa bàn, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị bưu chính tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa; đồng thời áp dụng nhiều biện pháp làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 47 vụ, 62 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó có cả những trường hợp mua bán vũ khí, linh kiện súng qua đường bưu chính.
Tuy vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành, các linh kiện, bộ phận tách rời của một khẩu súng quân dụng không được coi là vũ khí quân dụng. Do đó, các đối tượng tội phạm đang triệt để lợi dụng điều này để mua bán linh kiện vũ khí trên mạng và vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh. Để khắc phục tình trạng này, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì, dự thảo trình Quốc hội xem xét tới đây lần đầu tiên đưa ra khái niệm “linh kiện của vũ khí quân dụng cũng sẽ là vũ khí quân dụng”.
Thiếu tá Phạm Quang Tọa, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nhận định: “Quy định này theo tôi đánh giá có một ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình công tác thực tiễn của các đơn vị đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Bởi vì hiện nay các đối tượng đã thường xuyên sử dụng phương thức, thủ đoạn buôn bán linh kiện lẻ của vũ khí quân dụng để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và khi bị phát hiện cũng tránh bị xử lý hình sự. Việc Luật vũ khí, vật liệu nổ mới được áp dụng sẽ khắc phục tình trạng này và các cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý để nghiêm và triệt để hơn đối với các hành vi vi phạm tương tự”.
Việc mua bán linh kiện súng qua mạng xã hội và vận chuyển qua đường bưu chính một cách dễ dàng đã và đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho xã hội. Chính vì thế, trước khi Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thông qua, bên cạnh việc đấu tranh của lực lượng Công an, còn cần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhằm kịp thời thông tin, phát hiện các trường hợp chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xử lý dứt điểm ngay từ địa bàn cơ sở.