Ngăn chặn “vũ trường trá hình” hoạt động biến tướng
VOV.VN - Lợi dụng kẽ hở trong hệ thống quy định của pháp luật, nhiều “vũ trường trá hình” đang ẩn mình sau lớp vỏ là cơ sở kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn với các tên gọi hấp dẫn như pub, lounge,...
Vũ trường là loại hình kinh doanh không chỉ đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư mà còn thu hút đông đảo du khách, đóng góp vào sự phát triển của du lịch địa phương. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở trong hệ thống quy định của pháp luật, nhiều “vũ trường trá hình” đang ẩn mình sau lớp vỏ là cơ sở kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn với các tên gọi hấp dẫn như pub, lounge và đang gia tăng hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ANTT. Ghi nhận của phóng viên VOV tại các địa bàn du lịch trọng điểm ở tỉnh Quảng Ninh.
Vào pub, lounge hít “bóng cười”
12h đêm, trên tầng 2 cơ sở kinh doanh với tên gọi Miami Lounge (phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nhiều thanh niên vẫn đang say sưa với các hoạt động biểu diễn giống như vũ trường với nhạc mạnh, vũ công biểu diễn kích thích thị giác... Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những dịch vụ tại đây.
Một nhân viên cơ sở này cho biết: "Có 4 nam và 2 -3 nữ vào quán tôi gọi 1 combo rượu gồm hạt mix hoa quả với shisha, trong quá trình sử dụng thì các anh có yêu cầu gọi thêm “bóng cười”. Bên tôi còn có 2 - 3 quả nên xả nốt đưa cho các anh sử dụng".
Công an thành phố Hạ Long đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện và lập biên bản xử lý cơ sở này về hành vi kinh doanh “bóng cười”, shisha không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mà lực lượng chức năng xử lý gần đây tại các cơ sở pub, lounge, cho thấy môi trường này đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT.
Tại Hạ Long – thành phố du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh hiện có 2 vũ trường và 91 cơ sở kinh doanh karaoke. Kinh doanh vũ trường là hoạt động cung cấp sàn nhảy, sân khấu, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho hoạt động khiêu vũ, ca nhạc hoặc chương trình nghệ thuật.
Các cơ sở kinh doanh vũ trường phải đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, đặc biệt nghiêm ngặt về trang thiết bị PCCC, cơ sở vật chất và con người. Còn pub và lounge vẫn được biết đến trên thế giới là mô hình dịch vụ ăn uống với không gian mở, thông thoáng, âm nhạc nhẹ nhàng, hoài cổ. Hai loại hình kinh doanh này không thuộc diện phải đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT theo quy định tại Nghị định 96.
Tuy vậy, một vài năm trở lại đây, trên địa bàn TP Hạ Long xuất hiện thêm 17 cơ sở kinh doanh dưới tên gọi pub, lounge, nhưng thực tế lại hoạt động với hình thức tương tự như vũ trường.
Đại tá Vũ Hồng Phương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Các quán pub, lounge đăng ký kinh doanh theo hình thức nhà hàng ăn uống, tuy nhiên hoạt động thì đang biến tướng giống như các hoạt động của vũ trường. Tuy vậy, các quán này cũng chưa được quy định trong Nghị định 96 của Chính phủ để quản lý theo các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự".
Thêm vào đó, sau khi hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng cửa vì vướng mắc đối với các quy định PCCC hiện hành, một số cơ sở chọn “rẽ hướng” sang kinh doanh lounge. Vẫn là cơ sở vật chất cũ không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nay được “khoác chiếc áo mới” để dễ dàng hoạt động hơn.
Thực tế, nhiều cơ sở bị lợi dụng để “lách luật” hoạt động như vũ trường, sử dụng âm thanh ánh sáng của vũ trường với vũ công nhảy múa ăn mặc hở hang, phản cảm; dễ dàng cung cấp “bóng cười”, shisha cho khách; thậm chí nhiều cơ sở bị phát hiện chứa chấp khách sử dụng ma túy và các loại chất kích thích khác…
Thiếu tá Phạm Văn Trọng – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hạ Long cho biết, tại các cơ sở pub, lounge này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Thứ nhất nguy cơ các đối tượng đến đây để lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thứ 2 là các đối tượng thanh thiếu niên đến đây để mua bán và sử dụng bóng cười, shisha, thuốc lá điện tử, thứ 3 là nhiều đối tượng đến sử dụng rượu bia say có các hành vi gây rối trật tự công cộng và có thể cố ý gây thương tích.
Quyết liệt ngăn chặn
Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa hoạt động tuân thủ quy định pháp luật; nâng cao vai trò định hướng, giáo dục, nhất là đối với học sinh sinh viên; đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở cố ý sai phạm. Chỉ 6 tháng đầu năm 2023, Công an thành phố Hạ Long đã phát hiện, xử lý 21 vụ việc mua bán, kinh doanh trái phép khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử tại các cơ sở pub, lounge dạng này.
Thiếu tá Phạm Văn Trọng – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hạ Long khẳng định: "Chúng tôi sẽ tập trung cùng với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Quản lý thị trường tăng cường kiểm đột xuất các cơ sở kinh doanh pub, lounge. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan để tăng chế tài xử phạt với các cơ sở vi phạm nhiều lần".
Việc quyết liệt kiểm tra, phát hiện xử lý hay tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đã phần nào hạn chế các tiêu cực nảy sinh. Tuy nhiên, những giải pháp này dường như chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề khi mà lợi nhuận “khủng” vẫn khiến nhiều cơ sở bất chấp vi phạm, dù đã bị xử phạt nhiều lần.
Đại tá Vũ Hồng Phương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần phải có một biện pháp mạnh mẽ hơn từ khâu thẩm duyệt, quản lý, đến chế tài xử phạt: "Vấn đề này chúng tôi cũng đã rà soát và tập hợp báo cáo đề xuất với Bộ Công an, đề xuất với Chính phủ để bổ sung vào quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96".
Để kiểm soát tốt tình hình, quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh pub, lounge, cần sớm nghiên cứu, sớm ban hành các quy định pháp luật cụ thể đối với loại hình này. Mặt khác cần nâng cao vai trò quản lý, kiểm soát, phòng ngừa các vi phạm; tuyên truyền định hướng tư tưởng, nhu cầu sử dụng phù hợp, đặc biệt là với giới trẻ để đưa loại hình dịch vụ này về đúng bản chất, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.