Ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu trên Quốc lộ 25
(VOV) -Việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu kéo dài ở Phú Yên đang gây bức xúc trong dư luận.
Huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có nhiều xã giáp với tỉnh Gia Lai, dân cư thưa thớt. Địa hình nơi đây hiểm trở nên tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu diễn ra khá phức tạp trên cả đường bộ lẫn đường thủy, chủ yếu trên Quốc lộ 25.
Ngày nắng, cứ tầm 4 giờ chiều trở về đêm, trên Quốc lộ 25, đoạn qua huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, lại thấy từng đoàn xe máy tự chế kéo theo những cây gỗ quý ầm ầm chạy về xuôi.
Ông L.H.H, nhà ở sát Quốc lộ 25 kể, lâm tặc thường chở gỗ lậu bằng những chiếc xe máy cũ kỹ, không biển số.
Những phách gỗ dài 7,8m được đặt một đầu vào bánh xe trước, đầu còn lại buộc vào đuôi xe.
Bọn chúng thường đi từng tốp 10 người. Hễ thấy động tĩnh gì là thông báo cho nhau để tìm cách đối phó, tẩu tán gỗ lậu.
Điều đáng nói là, tình trạng vận chuyển gỗ lậu diễn ra nhiều năm nay, người dân ở đây ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không dám ngăn cản vì sợ bị trả thù, thậm chí nhà nào cũng đóng cửa, không dám ra đường, vì sợ bị tai nạn.
Người dân huyện miền núi Sơn Hòa không khỏi xót xa khi ngày ngày phải chứng kiến lâm tặc phá rừng, rút ruột những cánh rừng nguyên sinh đến tan hoang, xơ xác.
Tình trạng khai thác vận chuyển gỗ lậu diễn ra công khai, nhưng chính quyền và ngành chức năng huyện Sơn Hòa vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, hạn chế nạn xâm hại rừng.
Đã có nhiều đợt truy quét của lực lượng chức năng, có lúc chưa kịp ra tay thì lâm tặc đã nắm được thông tin và chủ động đối phó.
Ông Kaso Liễn - một cán bộ lão thành cách mạng ở huyện miền núi Sơn Hòa lo lắng, với tình trạng phá rừng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa rừng ở Phú Yên, Tây Nguyên nói chung, rừng đặc dụng Krong Trai nói riêng sẽ bị xóa sổ.
Ông Cao Minh Hòa - Chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên thừa nhận, tình trạng vận chuyển gỗ lậu từ Gia Lai xuống theo Quốc lộ 25 qua địa bàn huyện Sơn Hòa thời gian gần đây tuy có giảm, nhưng vẫn diễn biến khá phức tạp.
8 tháng năm nay, ngành chức năng huyện Sơn Hòa đã phát hiện, xử lý gần 220 vụ vi phạm lâm luật, giảm một nửa số vụ so với cùng kỳ năm 2011. Đáng lo ngại, hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi, táo tợn hơn.
Để qua mắt lực lượng chức năng, lâm tặc thường hoạt động vào chiều tối, hoặc đêm khuya. Ngoài vận chuyển gỗ lậu bằng xe khách, ô tô con, xe công nông, xe máy, lâm tặc còn vận chuyển gỗ bằng đường sông…
Lâm tặc thường đi thành từng tốp, có người dò đường, cảnh giới, phát hiện bị lộ, sẽ thông báo với nhau tìm cách tẩu tán. Khi bị truy đuổi, chúng liều lĩnh chống trả đến cùng.
Ông Hòa cho biết, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh Phú Yên làm việc với các địa phương giáp ranh bàn về công tác phối hợp bảo vệ rừng.
Trước thực trạng phá rừng đang diễn ra, nếu tỉnh Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên không chung tay ngăn chặn nạn khai thác và vận chuyển gỗ lậu như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa những cánh rừng quý còn lại cũng sẽ bị xóa sổ./.