Người chấp hành án ngoài cộng đồng sẽ phải đeo thiết bị giám sát điện tử?
VOV.VN - Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng.
Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật lần này là quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV, Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an cho biết, thông qua thiết bị điện tử đó, các cơ quan chức năng, chủ thể quản lý có thể theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Từ đó, phòng ngừa được việc những người này bỏ trốn, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
PV: Xin ông cho biết, điểm mới của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành 1/1/2020, đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong công tác thi hành án hình sự. Từ đó đến nay, công tác thi hành án hình sự đã đi vào nề nếp và đạt được hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực tiễn thi hành, do điều kiện kinh tế, tình hình xã hội của đất nước có sự thay đổi. Cùng với đó, bản thân một số quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 bộc lộ những khó khăn vướng mắc, đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi luật này.
Sửa đổi lần này sẽ tập trung vào ba chính sách mới, nổi bật. Thứ nhất, sẽ có giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hình sự đối với các hình phạt ngoài cộng đồng (không phải hình phạt tù). Tức là ứng dụng công nghệ khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của công tác.
Chính sách lớn thứ hai, sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đối số trong việc bố trí, quản lý thi hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ. Cụ thể, ứng dụng triệt để chuyển đổi số, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ.
Chính sách lớn thứ 3, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 sửa đổi cho phù hợp so với yêu cầu thực tiễn hiện nay và trong thời gian tới. Đó là ba chính sách nổi bật trong lần sửa đổi lần này của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
PV: Ông có thể chia sẻ vì sao Ban soạn thảo lại đưa ra ba chính sách lớn này?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Như tôi đã nói, mặc dù Luật thi hành án Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác thi hành án hình sự trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế- xã hội của đất nước và của cả thế giới, cho nên, đòi hỏi chúng ta phải ứng dụng các tiến bộ của thế giới và của nước ta trong thời gian vừa qua vào trong công tác này. Qua đó, làm sao giải quyết được triệt để các khó khăn, vướng mắc đó.
Trong thời gian vừa qua, tiến bộ về khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng trên thế giới, và ngay cả trong nước ta. Chính vì vậy, chúng ta ứng dụng các tiến bộ đó vào trong công tác quản lý thi hành án hình sự để làm sao nâng cao hiệu quả cao nhất của công tác này trong thời gian tới.
PV: Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi là quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng. Ông có thể cho biết, vì sao Ban soạn thảo lại đưa ra đề xuất này?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Thi hành án của chúng ta có hai loại. Một là, phạt tù trong các cơ sở giam giữ. Thứ hai, các hình phạt ngoài tù, chúng ta sẽ thi hành án ngoài cộng đồng.
Trong thời gian vừa qua, về thi hành án phạt tù, cơ bản chúng ta thực hiện rất nghiêm minh, rất chặt chẽ trong các cơ sở giam giữ.
Tuy nhiên, đối với việc thi hành các hình phạt ngoài cộng đồng như thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế,… hiệu quả thực tiễn thời gian qua cho thấy chưa cao.
Việc chúng ta quản lý các đối tượng ngoài cộng đồng chủ yếu bằng hành chính, thủ công thông qua việc quản lý, giám sát của chủ thể như chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, giám sát các đối tượng này. Như thế, hiệu quả thời gian qua cho thấy chưa đạt được như mong muốn.
Có những trường hợp đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng như thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đã bỏ trốn đi khỏi địa phương không thông báo cho người quản lý. Thậm chí, thực hiện hành vi phạm tội mới ở những nơi khác mà những người quản lý có trách nhiệm trong hình phạt này không giám sát, quản lý được.
Trên cơ sở những bất cập đó, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trên thế giới, và ở nước ta hiện nay, thì chúng tôi có đề xuất một giải pháp đó là “giám sát điện tử” đối với những người chấp hành án tại cộng đồng.
Những người này, bên cạnh các nghĩa vụ đã có trong Luật Thi hành án hình sự, chúng ta bổ sung thêm một quy định là người ta phải chấp hành một biện pháp giám sát bằng thiết bị điện tử. Thông qua thiết bị điện tử đó, các cơ quan chức năng, chủ thể quản lý sẽ có thể theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng này. Từ đó, phòng ngừa được việc những người này bỏ trốn, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
PV: Đại tá có thể cho biết, giám sát điện tử cụ thể ở đây là gì?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Thực ra các giải pháp này chúng tôi tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Hiện nay, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Theo chúng tôi quan sát, không chỉ các nước phát triển cao như Mỹ, Nga, Hàn Quốc,… mà cả những nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan đã áp dụng biện pháp này.
Biện pháp này cũng đơn giản, không quá phức tạp như chúng ta hình dung. Ví dụ, ở Nga, Mỹ, họ có các thiết bị đeo tay, đeo chân. Những thiết bị điện tử đó, chỉ cần người chấp hành án đeo vào tay và chân nó giúp duy trì hoạt động trong suốt thời gian chấp hành án.
Từ thiết bị điện tử đó truyền về trung tâm quản lý dữ liệu của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và người ta giám sát được di, biến động của người đeo thiết bị điện tử đó. Và nếu người đeo thiết bị điện tử đó mà tháo thiết bị ra, hoặc cố ý phá hủy, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị điện tử đó, thiết bị đó cũng báo về trung tâm quản lý của cơ quan thi hành án hình sự. Từ đó, chúng ta có giải pháp để xử lý hành vi đó.
PV: Dự kiến chúng ta dùng biện pháp thế nào, hay chúng ta cũng áp dụng như các nước vừa nêu trên thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Cái này chúng ta đang lập chính sách đánh giá tác động để đề nghị sửa đổi Luật. Chúng tôi cũng đang hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để thực hiện giám sát điện tử đối với những người chấp hành án tại cộng đồng.
Tuy nhiên, thiết bị đeo tay, hay đeo chân, thiết bị cụ thể thế nào thì đang trong quá trình nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế.
Dự kiến chúng ta sẽ có thể nghiên cứu, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đấy, để chúng ta có thể đeo vào một bộ phận nào đó của cơ thể.
Chủ yếu thế giới người ta đeo vào tay, chân, cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người chấp hành đó.
PV: Khi đặt ra yêu cầu sản xuất thiết bị đó mình có hướng đến việc vẫn đảm bảo tính mỹ quan nhất định, không tạo cho người chấp hành án sự tự ti và áp lực?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Chúng ta cũng sẽ hướng đến việc đó, mặc dù người ta là người bị kết án và phải chấp hành án phạt đó nhưng người ta cũng có quyền nhất định. Do đó, chúng tôi cũng hướng đến những thiết bị điện tử không quá ảnh hưởng đến mỹ quan và các quyền khác của người chấp hành án.
Tôi lấy ví dụ, là thiết bị đeo tay chẳng hạn, nó giống như một cái đồng hồ, một cái vòng đeo tay,… nó không làm mất mỹ quan của người đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định rằng, những người bị kết án và phải chấp hành án trong các cơ sở giam giữ hoặc ngoài cộng đồng người ta phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án.
Người ta không thể giống người bình thường, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, người ta sẽ phải chịu hạn chế một số quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, những thiết bị đó, như chúng tôi nói ban đầu, chúng tôi sẽ phải tính toán, nghiên cứu làm sao để đảm bảo tối ưu nhất không quá ảnh hưởng đến người chấp hành án.
PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào Dự thảo luật lần này? Nếu ban hành Luật khắc phục được gì những bất cập hiện nay?
Đại tá Nguyễn Văn Thịnh: Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi trong lần này, chính là giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả thi hành án hình sự ngoài cộng đồng. Đảng, Nhà nước ta đưa ra chủ trương từ lâu rồi, ở Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp và chúng ta sẽ từng bước giảm hình phạt tù và tăng hình phạt ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do hiệu quả của thi hành hình phạt ngoài cộng đồng là chưa cao, cho nên chúng ta chưa mạnh dạn áp dụng nhiều hình phạt ngoài cộng đồng. Chúng ta đang áp dụng nhiều biện pháp trong các cơ sở giam giữ, lần này chúng tôi kỳ vọng nhất là chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các thiết bị giám sát điện tử như đã nêu ở trên, để làm sao nâng cao được hiệu quả thi hành án hình sự ngoài cộng đồng. Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền, tòa án mạnh dạn hơn trong áp dụng hình phạt ngoài cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!