Nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị phạt tù lên đến 3 năm
VOV.VN - Nhập cảnh trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lí nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Thế nhưng một số đối tượng vẫn bất chấp quy định của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam quy định về Tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 347 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, để có thể xác định một người có phạm tội này hay không cần căn cứ vào hành vi của người đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm không. Cụ thể, Tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh có các yếu tố cấu thành cơ bản sau:
- Về chủ thể : Người Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch. Bên cạnh đó, các chủ thể phải đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Về khách thể: tội phạm xâm phạm hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Về mặt chủ quan: Tội phạm có lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình đang làm là trái pháp luật nhưng vẫn cố ý muốn thực hiện.
Động cơ, mục đích tùy thuộc vào mỗi người. Tuy nhiên, trường hợp động cơ, mục đích của việc xuất nhập cảnh trái phép nhằm chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ cấu thành tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự
- Mặt khách quan: Tội vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh: Hành vi xuất, nhập cảnh trái phép là hành vi xuất, nhập cảnh mà không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thực thi; sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả; Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;...
Thẻ ABTC (thẻ đi lại của doanh nhân APEC) là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia Chương trình. Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó.
Trường hợp sử dụng giấy tờ giả để xuất, nhập cảnh sẽ cấu thành thêm tội độc lập là sử dụng giấy tờ giả. Nếu trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân thì cấu thành tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Điều 6 Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Giấy thông hành. Theo đó, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Cá nhân, tổ chức khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh tại Việt Nam thì phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật về hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh, không thuộc các trường hợp cấm xuất nhập cảnh. Nếu cá nhân nào vi phạm quy định này thì đều là hành vi xuất nhập cảnh trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Với trường hợp người có quốc tịch Việt Nam vượt biên sang nước ngoài rồi lại trở về Việt Nam mà không có đủ các giấy tờ theo quy định thì được xem là xuất và nhập cảnh trái phép."
"Theo quy định pháp luật, người có hành vi nhập cảnh trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi." - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.
Cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính trong trường hợp sau:
* Trường hợp 1: Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 2: Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 3: Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 4: Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sau:
- Cá nhân vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 347 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
- Cá nhân vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Người phạm tội cũng có thể đối diện với mức phạt từ từ 05 năm đến 15 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi quy định tại khoản 2, 3 Điều 348 Bộ luật này. Thêm vào đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm căn cứ tại Khoản 4 Điều này./.