Nhiều người vẫn “sập bẫy” việc nhẹ lương cao ở bên kia biên giới
VOV.VN - Thời gian gần đây, trên tuyến biên giới Tây Nam nói chung và tại biên giới An Giang nói riêng, tình hình người Việt Nam tìm cách xuất cảnh trái phép hoặc bị lừa bán sang Campuchia lao động bất hợp pháp có dấu hiệu phức tạp và có xu hướng tăng.
Anh em đừng có nghe nói qua bên đó làm việc nhẹ, lương cao mà ham, chưa chắc đã nhẹ đâu. Bên đó làm việc áp lực và bị đàn áp lắm; không làm được là họ bán, hết công ty này đến công ty khác, họ bán mình đến cả những khu chỉ có làm việc, không có lương. Công ty nào cũng đánh người khi làm không được hoặc làm sai, có người đã bị đánh chết. Những người đã sang đây làm ai cũng muốn về. Nhờ có cán bộ biên phòng, cán bộ công an mình mới được về Việt Nam".
Trên đây là chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Thắng, ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đã từng lao động tại casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia. Anh Nguyễn Quốc Thắng là một trong 40 nạn nhân bị sập bẫy, tin lời kẻ xấu, nhập cảnh trái phép sang Campuchia để làm "việc nhẹ, lương cao".
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, thời gian qua, mặc dù đã được các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông tuyên truyền, cảnh báo, nhưng nhiều người dân, nhất là thanh niên, vẫn “sập bẫy” những kẻ lừa đảo, với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bị bán sang Campuchia làm việc. Sang đó, người lao động không chỉ bị đánh đập, không được trả lương như đã thỏa thuận, mà còn bị bán qua nhiều công ty khác nhau,… muốn quay về phải nộp số tiền lớn.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người dân tìm đủ mọi cách vượt biên trái phép sang bên kia biên giới với mục đích “đổi đời”. Việc người dân sang bên kia biên giới bất hợp pháp gặp phải không ít những bất lợi, rủi ro về tài sản cũng như tính mạng nơi xứ người, không được chính quyền và các cơ quan chức năng nước sở tại bảo hộ; bị bóc lột sức lao động, cưỡng ép làm việc tại các công ty cờ bạc trực tuyến, game online trá hình, kinh doanh tiền kỹ thuật số…
Thượng úy Trương Hoàng Khang, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên Phòng An Giang cho biết: “Trong thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sang bên kia biên giới lao động bất hợp pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam đối với nhân nhân; các quy định của pháp luật, chỉ thị của nhà nước liên quan đến biên giới quốc gia; các quy định về xuất, nhập cảnh… để nhân dân nâng cao nhận thức của mình. Mỗi người dân khi hiểu biết rồi có thể tránh vi phạm pháp luật, đồng thời tố giác các loại tội phạm”.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, sau vụ trốn chạy của 40 người làm việc tại casino Rich World, bơi qua sông Bình Ghi để về Việt Nam vào hồi tháng 8/2022, tình hình xuất, nhập cảnh trái phép có lắng xuống. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, tình hình xuất nhập cảnh trái phép lại diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng An Giang đã bắt và xử lý hơn 100 vụ, với gần 140 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua địa bàn biên giới tỉnh An Giang. Những công dân sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia đa số đều bị lợi dụng, bị bóc lột sức lao động, thậm chí trở thành nạn nhân của hoạt động tội phạm mua, bán người. Khi muốn trở về Việt Nam, những công dân này lại phải vượt biên trái phép; đã có những trường hợp bị mất mạng khi đang trên đường trốn chạy về Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp hai tỉnh Kandal và Takéo, Vương quốc Campuchia, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, còn có nhiều sông ngòi, kênh, rạch chạy qua biên giới, nhiều đường mòn, lối mở tự phát để phục vụ nhu cầu thăm thân nhân, giao thương hàng hóa, qua lại của người dân hai bên biên giới. Lợi dụng tuyến biên giới có địa hình phức tạp, các đối tượng đã tổ chức nhiều hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm lôi kéo người sang làm việc bất hợp pháp tại Campuchia.
“Để đấu tranh, trấn áp tội phạm buôn bán người qua biên giới, các đường dây đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép…, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng; chủ động nắm chắc mọi diễn biến, tình hình ở nội biên, ngoại biên; tăng cường tuần tra, kiểm soát quản lý chặt biên giới. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Campuchia ở phía đối diện, để trao đổi thông tin, nắm chắc các hoạt động, nhất là các đường dây đưa đón người qua biên giới trái phép để kịp thời xử lý”, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm.