Nóng tình trạng lợi dụng báo chí để trục lợi năm 2023
VOV.VN - Trong năm 2023, đã có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản".
Những năm gần đây, do mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo thiếu ý thức tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp vi phạm đạo đức của người làm báo, thậm chí không vượt khỏi những cám dỗ của đồng tiền, vi phạm pháp luật. Đây là thực trạng nhức nhối và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Khởi tố nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 3 đối tượng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Đứng đầu nhóm này là Lê Danh Tạo, 57 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Được biết, Tạo là nhà báo, là cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí.
Tuy nhiên, là một nhà báo, thay vì viết những bài phản ánh hiện thực đời sống, Tạo lợi dụng mối quan hệ quen biết CSGT yêu cầu các tài xế xe khách, xe tải chung chi từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng/1 xe để được mình “bảo kê”. Trường hợp CSGT hoặc thanh tra giao thông không đồng ý, Tạo đe dọa viết bài bôi nhọ, xuyên tạc, tìm mọi cách để phát hiện các sai phạm trong quá trình công tác của lực lượng CSGT. Với phương thức như trên, mỗi tháng các đối tượng thu lợi bất chính số tiền trên 1 tỷ đồng.
Điều đáng buồn, đây không phải trường hợp duy nhất bị phát hiện, xử lý trong năm 2023, trước đó, đã có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố.
Trong năm 2023, cơ quan chức năng đã bắt Nguyễn Phước - cộng tác viên của một tờ tạp chí điện tử; Nguyễn Quang Dũng - cộng tác viên của một tạp chí về doanh nghiệp, L.H.V (1989), phóng viên văn phòng Nam miền Trung và Tây nguyên của một tờ báo về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Gần đây nhất, ngày 29/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố và lệnh tạm giam đối với hai bị can là phóng viên Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Cũng trong ngày 29/11, Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bắt quả tang Đặng Ngọc Bảo (46 tuổi), trú quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng có hành vi nhận 9,8 triệu đồng từ đại diện một công ty ở huyện Đại Lộc. Khi làm việc với đại diện công ty, Đặng Ngọc Bảo tự giới thiệu là phóng viên thuộc Văn phòng Đại diện Tây Nguyên của một tạp chí. Công an huyện Đại Lộc đã ra quyết định tạm giữ Đặng Ngọc Bảo để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng danh nghĩa báo chí để vi phạm pháp luật
Phân tích hành vi của những người lợi dụng danh nghĩa nhà báo vi phạm pháp luật, nhà báo Đoàn Quang - Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho rằng, “Những vụ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, thậm chí bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang đối với phóng viên, nhà báo xảy ra ngày càng nhiều. Nhưng số vụ việc kể trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Trong nhiều nguyên nhân, theo nhà báo Đoàn Quang, có 3 nguyên nhân rất đáng quan tâm. Thứ nhất là cơ quan báo chí, đăc biệt là một số tờ báo, tạp chí đang rất áp lực về tự cân đối tài chính, nên bị xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí dẫn dắt, kể cả trong đánh giá năng lực của phóng viên.
Trong bối cảnh đó, một số phóng viên, nhà báo đã “thương mại hóa” tác phẩm báo chí, dẫn đến vi phạm pháp luật và đạo đức nhà báo trong tác nghiệp.
Thứ hai, theo nhà báo Đoàn Quang, ngay chính lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ngại động chạm đến nhà báo, không nắm rõ pháp luật để biết quyền và nghĩa vụ của hai bên, không muốn mất thời gian... nên đã chấp nhận cho qua, thậm chí thỏa hiệp với sai phạm.
Thứ ba là nhận thức pháp luật của phóng viên, nhà báo còn hạn chế.
“Chưa có thống kê để có số liệu chính xác nhưng tôi biết rằng, rất nhiều phóng viên không nắm vững ngay cả Luật Báo chí chứ đừng đến những quy định pháp luật liên quan. Hiện tượng phóng viên, nhà báo gửi yêu cầu đến đối tượng tác nghiệp đã thể hiện nội dung không khác gì yêu cầu của cơ quan thanh tra, điều tra; nhiều tờ báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên không đúng quy định... Hiện tượng này Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chấn chỉnh. Trên nền hiểu biết về quyền và nghĩa vụ đó, phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật cũng là dễ hiểu”- nhà báo Đoàn Quang nói.
Đồng quan điểm, chia sẻ trong tham luận về "Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo, sở Thông tin và truyền thông, hội nhà báo các địa phương trong công tác xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo", ông Vũ Xuân Chường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí và không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nhà báo.
Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận những tiêu cực của một số nhà báo qua các vụ án gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, thể hiện ở việc thiếu sự quan tâm giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí, của cấp ủy, chi hội nhà báo. Không ít cơ quan báo chí, chi bộ hoạt động mang tính hình thức, ít quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật và quy định đạo đức người làm báo; chi hội nhà báo hoạt động chiếu lệ…
Cùng với đó cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ... đã đẩy một số nhà báo chìm sâu vào con đường tiêu cực.
Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 218 chi hội trực thuộc Trung ương. Có thể khẳng định, đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Các cấp Hội đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, toàn quốc có 260/301 tổ chức hội có hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên đã vi phạm; trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.