Nữ phạm nhân tự răn mình không giẫm lên "vết xe đổ"
VOV.VN - Đó sẽ là những hành trang quý giá để khi tái hòa nhập cộng đồng, phạm nhân sẽ luôn xem là bài học để tự răn mình không giẫm lên vết xe đổ của quá khứ.
Ngày Quốc khánh 2/9 đang đến gần, cũng là ngày trở về của các phạm nhân biết hối cải, có ý chí vươn lên và cải tạo tốt. Hơn ai hết, họ đều mong muốn ngày trở về sẽ được người thân, cộng đồng cảm thông chia sẻ, rộng vòng tay đón nhận, giúp đỡ để có cơ hội hoàn lương, sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội.
“Những ngày tháng sau cánh cửa song sắt nhà giam để trả giá cho sai lầm của bản thân trong quá khứ là quãng thời gian quý giá để nhìn nhận lại giá trị, lẽ phải của cuộc sống. Khi biết mình có tên trong danh sách những phạm nhân được đặc xá, tôi đã bật khóc. Chỉ mong ngày đó đến thật nhanh, để về đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời…”. Đó chính là những trải lòng của phạm nhân Lê Thị Kim Phương hiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bạc Liêu sau khi biết tin mình có tên trong danh sách đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.
Thời điểm bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Phương đang là công chức văn phòng. Chỉ vì lòng tham bộc phát mà phải trả giá bằng bản án tù thích đáng. Đó là sự trừng phạt mà pháp luật dành cho những sai lầm mà Phương mắc phải. Song, không phải vì thế mà người phụ nữ này lại buông xuôi.
Sau khi bước chân vào cánh cửa nhà giam, đối diện với bốn bức tường và cũng là đối diện với chính mình, Phương đã thực sự ăn năn hối cải vì những lỗi lầm gây ra trong quá khứ. Những công việc cải tạo mà cán bộ quản giáo giao cho như: chăm sóc vườn rau, quét dọn vệ sinh khuôn viên trại,… đều được nữ phạm nhân này thực hiện một cách nhanh nhạy và chăm chỉ.
Nhớ lại những ngày đầu tiên mới chấp hành án tại trại tạm giam, Phương cho biết, đêm nào cũng khóc rất nhiều. Sau khi được Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo quan tâm, chỉ bảo tận tình về cách ứng xử, giao tiếp; được phổ biến pháp luật, nội quy, quy định của cơ sở giam giữ; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; giá trị của lao động đối với đời sống của con người… đặc biệt là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, cùng những năm tháng rèn mình trong trại, nữ phạm nhân đã nhận ra được đâu là giá trị thực của cuộc sống. Đó sẽ là những hành trang quý giá để khi tái hòa nhập cộng đồng, phạm nhân sẽ luôn xem là bài học để tự răn mình không giẫm lên vết xe đổ của quá khứ.
Ngoài phạm nhân Lê Thị Kim Phương còn thêm 8 trường hợp nữa cũng được đề nghị xét đặc xá trong Quốc khánh 2/9 năm nay. Ngay sau khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và các hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Công an tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Hội đồng xét đề nghị đặc xá, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng phạm nhân và cán bộ quản giáo, niêm yết công khai đến từng buồng giam để các phạm nhân nắm bắt được chủ trương, từ đó soi xét bản thân.
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho phạm nhân được đặc xá, Trại tạm giam Công an tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là những chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội; những quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đặc xá đối với phạm nhân; hướng dẫn về Luật Cư trú, Luật Hộ tịch và những vấn đề có liên quan đến cấp thẻ Căn cước công dân, dịch vụ công điện tử… Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tuyên truyền cho phạm nhân về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các quy định có liên quan; tình hình dịch Covid-19 và một số dịch bệnh đang diễn ra phổ biến như: bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết,… và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; trang bị cho các phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng sẽ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Thượng tá Nguyễn Phúc Vũ, Phó Giám thị, phụ trách Trại tạm giam Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau khi có danh sách, Ban Giám thị đã liên hệ với gia đình các phạm nhân để hoàn tất các thủ tục liên quan cũng như chuẩn bị cho ngày nhà đón họ trở về được tươm tất, chu đáo. Chúng tôi đã trực tiếp thăm hỏi, gặp gỡ động viên từng phạm nhân, trang bị đầy đủ quần áo dân sự. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, người nhà không đến đón được thì Trại tạm giam sẽ kịp thời trích quỹ hoàn lương để hỗ trợ tiền đi xe về nhà”.
Đặc xá là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng đối với người phạm tội, để họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Để chuẩn bị hành trang ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Bạc Liêu đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tư vấn cho các phạm nhân giúp họ có kiến thức cơ bản sau thời gian dài cách ly với xã hội. Qua đây, cũng giáo dục cho các phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá, giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam, nỗ lực để một ngày không xa họ cũng có được niềm vui này./.