Ông chủ tiệm hớt tóc ở Trà Vinh- Vượt lên từ quá khứ lầm lỗi

VOV.VN - Mô Ni quyết tâm vay vốn để làm lại cuộc đời. 3 lần được hỗ trợ vốn vay với khoảng 35 triệu đồng, Thạch Mô Ni mở một tiệm cắt tóc nhỏ.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đặc xá, những năm qua, hàng chục ngàn phạm nhân đã được ra tù trước thời hạn, trở về với cộng đồng. Tích cực lao động cải tạo để đươc hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước nhưng khi ra tù, quá khứ lầm lỗi vẫn luôn ám ảnh họ. Không có sự hỗ trợ của người thân và chính quyền sở tại, họ khó có thể vượt qua. Với những người như vậy, họ rất cần điểm tựa để làm lại cuộc đời.

Tại khóm 1, phường 7, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), bên hông một ngôi chùa Khmer rộng lớn là tiệm hớt tóc của anh Thạch Mô Ni. Sáng sủa, khang trang, tiệm hớt tóc cũng chính là nơi sinh sống của cả gia đình 3 thế hệ. Phạm phải trọng tội năm 2011, Thạch Mô Ni mang án 10 năm và thụ án ở một trại giam trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong câu chuyện với phóng viên VOV, Thạch Mô Ni 2 lần rớm nước mắt. Lần thứ nhất là khi nhắc đến đứa con đầu mới 3 tuổi khi anh đi thụ án và lần thứ hai là khi anh trở về và gặp phải sự xa lánh của cộng đồng.  

“Tôi có nghề cắt tóc từ năm 15 tuổi. Vào trại thì cắt tóc cho cán bộ và phạm nhân. Nghĩ đến con, đến bố mẹ già và vợ, tôi quyết tâm cải tạo thật tốt. Năm 2015, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, tôi là 1 trong 2 người ở phân trại được đặc xá. Phân trại có hơn 70 phạm nhân, bình xét rất kỹ lưỡng“- Thạch Mô Ni kể.

Về với cộng đồng, Thạch Mô Ni được chính quyền giúp làm lại hộ khẩu nhưng cái anh sợ nhất là ánh mắt ái ngại của cộng đồng.

Chị Lâm Thị Tôm, vợ của anh Thạch Mô Ni kể: “Lúc anh ấy mới về, ngay cả bố đẻ của tôi cũng không muốn con tôi được gặp anh. Anh rất buồn. Tôi có động viên anh, giờ mình biết đi đâu để khỏi mặc cảm, chỉ có sửa chữa lỗi lầm ở ngay quê hương mình thôi. Chị bảy của anh cũng động viên anh nhiều lắm“.  

Không có lựa chọn nào khác, Mô Ni quyết tâm vay vốn để làm lại cuộc đời. 3 lần được hỗ trợ vốn vay với khoảng 35 triệu đồng, Thạch Mô Ni mở một tiệm cắt tóc nhỏ. Sau khoảng 3 năm thì anh trả hết vốn vay.

Với bàn tay thoăn thoắt của anh, tiệm cắt tóc cứ dần dần đông khách. Trước khi Covid xảy ra, anh phải thuê thêm vài thợ phụ. Nhưng nay, hai vợ chồng túc tắc làm, cũng có đồng ra đồng vào, đủ để duy trì cuộc sống. Căn nhà và cũng là tiệm cắt tóc của gia đình anh mới xây cất cách đây 2 tháng với khoảng 900 triệu đồng. Khang trang, sạch sẽ.

Cũng tại thành phố Trà Vinh, anh Kiên Thái Vũ (SN 1984) được ra tù trước thời hạn 20 tháng nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Anh Thái Kiên Vũ được vay vốn của phường và Hội nông dân tổng cộng 25 triệu. Anh bắt đầu tái hòa nhập cộng đồng năm 2007 bằng nghề làm đá hoa cương. Nhà anh Vũ ở phường 8 và công việc của anh giờ đây là nhận làm đá cho những công trình dân dụng.

Thiếu tá Võ Tấn Đạt, công an phường 8, thành phố Trà Vinh chia sẻ: Với những người được đặc xá trở về, ngoài gia đình động viên thì công an sở tại phải luôn gần gũi.

“Chúng tôi không coi họ là đối tượng theo dõi mà coi họ như những người anh em, hàng xóm. Khi xuống nhà Vũ, tôi mặc thường phục, không mặc quân phục. Vũ không bao giờ muốn nhắc lại quá khứ thì chúng tôi cũng tôn trọng em ấy. Gần gũi, chia sẻ, qua đó khuyên răn để Vũ yên tâm làm lại cuộc đời. Giờ cơ ngơi hơn 70m2 của gia đình Vũ cũng chính là câu trả lời cho hàng xóm về quyết tâm tái hòa nhập cộng đồng“ – Thiếu tá Võ Tấn Đạt cho biết.   

Dịp Quốc khánh năm nay sẽ có hàng ngàn phạm nhân được xét đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước. Thực hiên Luật đặc xá năm 2008, đến ay, Nhà nước đã đặc xá cho hơn 90.000 phạm nhân và tỷ lệ tái phạm tội rất nhỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên