Phát tán, mua bán thông tin cá nhân trên mạng: Pháp luật không thể xử lý?
VOV.VN - Việc công khai mua bán, trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay, bất chấp sự bức xúc của dư luận cũng như nỗ lực quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.
Chỉ cần gõ từ khóa "danh sách khách hàng" trên Google, sau 0,65 giây đã cho 201.000.000 kết quả với hàng loạt địa chỉ hiện ra như: danh sách khách hàng, danh sách khách hàng VIP, danh sách khách hàng tiềm năng bất động sản, danh sách phụ huynh học sinh tiềm năng..., cùng với đó là cam kết về độ chính xác, cập nhật, trích xuất theo yêu cầu.
Mua bán dữ liệu khách hàng vẫn ngang nhiên tồn tại
Việc công khai mua bán, trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay, bất chấp sự bức xúc của dư luận cũng như nỗ lực quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng. Chính vì sự bất cập này, thời gian gần đây, tình trạng người dân bị các cuộc điện thoại không mong muốn quấy nhiễu, làm phiền diễn ra thường xuyên. Nhiều người không hiểu tại sao số điện thoại của mình lại có thể rơi vào tay những người làm dịch vụ này.
Nghiêm trọng hơn, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến từ các đối tượng tội phạm mạo danh cơ quan công quyền như công an, tòa án, VKS đe dọa nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Ngô Thị N. trú tại thành phố Thái Nguyên chia sẻ về những phiền toái mà hằng ngày mình phải gánh chịu. Theo chị N, thời gian gần đây không hiểu vì sao ngày nào chị cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng qua mạng trên các trang Tiki, Sendo,…
"Không hiểu tại sao công ty này lại có thông tin cá nhân của tôi trong khi những thông tin cá nhân đó tôi chỉ cung cấp cho nhà mạng. Tôi may mắn cũng tìm hiểu thông tin trên báo chí nhiều nên không bị lừa mấy cuộc điện thoại kiểu này. Bạn tôi, có người đã mất cả trăm triệu vì tham gia bán hàng cho mấy trang mạng trên. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra và xử lý để tránh phiền toái, đặc biệt là lộ hết thông tin cá nhân”- chị Ngô Thị N. nói.
Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Văn M. một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết, mình thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại kêu gọi đầu tư bất động sản và chứng khoán. Điều anh M. băn khoăn là không hiểu sao, những người gọi điện thoại này nắm rõ được họ tên và lĩnh vực anh đang công tác.
Theo một số chuyên gia, tình trạng để lộ lọt thông tin cá nhân ngoài sự chủ quan, thiếu hiểu biết của 1 bộ phận người dân thì nguyên nhân khác đó là do các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đã không có biện pháp bảo vệ thông tin khách hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về việc để lộ lọt thông tin khách hàng, cho dù tình trạng này đã xảy ra rất nhiều trong các lĩnh vực như địa ốc, bảo hiểm nhân thọ, điện lực, ngân hàng...
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, thông thường năng lực để thực thi vụ việc để điều tra, xử phạt ở Việt Nam vẫn chưa tốt. Cùng với đó, cơ quan thực thi pháp luật chưa tích cực trong việc xử lý vụ việc vi phạm cụ thể. Rất nhiều vụ việc vi phạm lớn, nổi cộm không điều tra, xử lý, dẫn đến doanh nghiệp, hoặc các chủ thể vi phạm vẫn thoải mái vi phạm và không bị cơ quan điều tra xử lý. Từ thực trạng này dẫn đến tình trạng một số nơi vẫn còn ngang nhiên vi phạm, thách thức cơ quan chức năng.
Còn từ phía người dùng, theo ông Đồng, chúng ta còn thiếu cơ chế bảo vệ người dùng. Theo đó, cơ chế đầu tiên, thiếu đường dây nóng để người dùng phản ánh. Cùng với đó, động lực báo cáo vi phạm và bồi thường từ các vi phạm hiện nay còn đang hạn chế.
“Khi người dùng bị mất thông tin, bị gọi điện làm phiền, người dùng chỉ cảm thấy phiền hà, chứ không có động lực để kiện ra tòa để xử lý các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vi phạm. Bởi khi ra tòa, chi phí rất lớn trong khi mức độ xác định bồi thường thiệt hại có thể rất thấp.”- ông Đồng dẫn chứng.
Dưới góc độ cá nhân thì như thế, nhưng theo ông Đồng, nếu dữ liệu cá nhân bị lộ lọt ở cấp độ xã hội lại trở thành vấn đề lớn. Khi vi phạm tràn lan như vậy mà không bị xử lý thì vi phạm càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Luật chưa nghiêm
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, về chế tài hành chính, pháp luật hiện hành chưa có những quy định chung, thống nhất áp dụng cho tất cả các lĩnh vực mà đang được quy định riêng biệt, rải rác trong nhiều văn bản pháp quy (thuộc các lĩnh vực) khác nhau.
Về chế tài hình sự, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về một tội danh trực tiếp đối với hành vi mua bán thông tin khách hàng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào diễn biến, lĩnh vực và mức độ vi phạm cụ thể mà những vi phạm này có thể phạm vào các tội như: “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự), hoặc “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” (Điều 291 Bộ luật hình sự).v.v.. Bên cạnh việc phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự, nếu gây ra các thiệt hại cho khách hàng thì các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại đó theo quy định của pháp luật dân sự.
Chế tài pháp luật thì như vậy, nhưng thực tế cho đến nay, hầu như chưa có trường hợp doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về việc để lộ lọt thông tin cá nhân khách hàng, cho dù tình trạng thông tin cá nhân bị rò rỉ đã xảy ra rất nhiều. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa từng khởi kiện vụ nào khi thông tin của mình bị doanh nghiệp rao bán hay làm lộ lọt. Chính vì thế việc phát tán, mua bán thông tin cá nhân trên mạng và các tổ chức, doanh nghiệp để lộ lọt thông tin khách hàng cũng sẽ nhờn luật.
Để khắc phục tình trạng này, theo luật sư Hùng, các cơ quan chức năng cần xem xét và nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật, quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, xóa bỏ tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay.
Bên cạnh đó, người dân cũng phải tự ý thức, có những biện pháp phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của mình, tránh việc quá dễ dãi hay tùy tiện trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, chỉ nên cung cấp thông tin cá nhân trong trường hợp thật cần thiết và chỉ cung cấp cho các tổ chức hoặc cá nhân có uy tín, đảm bảo sự tin tưởng.v.v…/.