Phía sau bản án tử hình kẻ giết 4 người ở Yên Bái
VOV.VN - Án tử hình dành cho bị cáo được nhiều người đồng tình nhưng cũng là điều đáng suy nghĩ về sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân vùng cao.
Sáng nay (28/10), tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), diễn ra Phiên toà xét xử lưu động bị can Đặng Văn Hùng về tội “Giết người” xảy ra vào ngày 12/8/2015 tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Mức án tử hình dành cho bị cáo được nhiều người tham dự phiên tòa đồng tình, nhưng sau bản án ấy là nhiều điều đáng nghĩ về sự hiểu biết pháp luật của người dân vùng cao.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Yên Bái: Do bực tức trong việc tranh chấp đất nương khai hoang, khoảng 16 giờ ngày 12/8/2015, tại khu vực bãi nương thuộc thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Đặng Văn Hùng, dân tộc Dao, sinh năm 1989, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tàn độc dùng dao giết hại 4 người trong cùng một gia đình gồm: Anh Trần Văn Long, sinh năm 1983; chị Phàn Thị Hoa, sinh năm 1995 (vợ của anh Long); cháu Phàn Văn Tuyền, sinh năm 2013 (con của anh Long và chị Hoa); chị Phàn Thị Hà, sinh năm 2000 (em gái ruột của chị Hoa). Tất cả các nạn nhân đều trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Đặng Văn Hùng bị tuyên phạt án tử hình là bài học về về sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân vùng cao. |
Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Văn Hùng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hùng cho biết: Bị cáo mới học hết lớp 1, cũng chưa hiểu đâu là hành động sai trái, chỉ khi vào trại tam giam, Hùng mới nhận thức được tất cả, kèm theo đó là những ân hận muộn màng.
Những câu trả lời của Hùng trước tòa ngây ngô đến mức nhiều người phát cười, khiến chủ tọa phải nhắc nhở trật tự. Nhưng cũng không ít người xót thương cho Hùng, một con người không nhận được sự giáo dục đầy đủ, sống cuộc sống mà theo nhiều người nói là “hoang dại”, không hiểu biết bất cứ điều gì. Giải thích cho hành động của mình, Hùng chỉ nói ngắn gọn: “Do nóng giận quá!”.
Phiên toàn được mở công khai với hơn 2.000 người dân đến tham dự. Hầu hết người dân dự phiên tòa đều mong muốn bị cáo Đặng Văn Hùng phải được xét xử nghiêm minh. Anh Trương Văn Tiến, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên nói: “Đặng Văn Hùng là người rất là trẻ sinh sống vùng cao, hiểu biết rất hạn chế nên mới dẫn đến như thế. Chúng tôi mong rằng thời gian tới sẽ đưa ra các vụ án tương tự xét xử để mang tính răn đe”.
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, do tình tiết, chứng cứ vụ án rõ ràng; đồng thời bị cáo Đặng Văn Hùng cũng đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn hối lỗi nên phiên Tòa kết thức sớm hơn dự kiến. Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã tuyên phạt Bị cáo Đặng Văn Hùng với tội danh “Giết người”, mức án dành cho bị cáo là tử hình. Đây là bản án được đông đảo người dân theo dõi phiên tòa đồng tình.
Ông Hoàng Trọng Hồng, Chủ tọa phiên tòa cho rằng, hành vi của bị cáo thực hiện là hung hãn tàn bạo, bất chấp pháp luật, quy tắc cuộc sống nên cần phải áp dụng hình phạt cao nhất của tội giết người đó là loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Đặng Văn Hùng đón nhận bản án không suy sụp như những bị cáo khác, đại diện các bị hại cũng thẫn thờ. Những con người vùng cao hồn hậu và chân chất vẫn như chưa hiểu được những chuyện đã xảy ra. Hôm nay, được chứng kiến phiên tòa xét xử lưu động thế này, họ mới hiểu tính nghiêm minh của pháp luật.
Anh Hoàng Xuân Hải, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên nói: “Tôi thấy hình phạt nêu trên là hợp lý bởi bị cáo giết rất nhiều người nên cần phải có hình phạt thỏa đáng”.
Thiếu thông tin về các quy định của pháp luật, việc giáo dục cũng chưa được đầy đủ, đó không chỉ là hoàn cảnh của Đặng Văn Hùng mà còn với rất nhiều người dân vùng cao, vùng sâu, vùng đồng dân tộc thiểu số. Với những hành vi đặc biệt nguy hiểm, đôi khi bà con chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hết sức đau lòng.
Bản án dành cho Đặng Văn Hùng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không những là sự răn đe đối với những ai coi thường tính mạng của người khác, mà còn là thông điệp đối với đông đảo đồng bào khu vực vùng cao, vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trong hiểu biết về pháp luật./.