Thái Bình

Phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh

Những năm gần đây, ở Thái Bình, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật đang có nhiều diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Thái Bình hiện có 840 thiếu niên hư, trong đó 700 em có tiền án, tiền sự; 16 em phạm tội nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, xảy ra 4 vụ giết người trong đó 3 vụ nạn nhân và kẻ phạm tội đều là thiếu niên, học sinh. Gần đây nhất là vụ giết cháu Nguyễn Hải H, 5 tuổi ở xã Đông Động, huyện Đông Hưng. Thủ phạm là Phạm Văn Ban, sinh năm 1992 là người cùng xã. Ban đã đánh, trói rồi vứt cháu H xuống giếng .

Hầu hết các vụ việc vi phạm pháp luật do thanh, thiếu niên gây ra là trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản. Trong đó, nhiều vụ việc tính chất rất nguy hiểm, phức tạp. Điển hình: Ngày 14/4/2008, tại Nhà nghỉ Hồng Hà, cơ quan chức năng bắt quả tang 29 đối tượng tổ chức sử dụng thuốc lắc. Hay vụ 7 đối tượng: Đặng Văn Đồng, Hoàng Xuân Anh, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Phú Đức, Nguyễn Ngọc Tình, Hoàng Ngọc Triều, Dương Mạnh Trường đều sinh khoảng năm 1990; chúng đã dùng vũ khí chặn đường, gây ra 10 vụ cướp tiền, dây chuyền vàng, điện thoại di động của người qua đường.

Ở một xã thuần nông như Hồng Minh (huyện Hưng Hà), chỉ trong 4 tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 đã xảy ra 12 vụ trộm cắp; 2 vụ đánh người gây thương tích mà đối tượng gây án đều ở trong độ tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Từ thực trạng trên, Công an huyện Hưng Hà đã tổ chức đợt tổng khảo sát tình hình vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Kết quả cho thấy, toàn xã có 82 học sinh và thanh thiếu niên vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật, trong đó 21 em vi phạm từ 2 lần trở lên. Trong 21 em này, có 9 em dưới 16 tuổi. Riêng Nguyễn Việt A, mới 12 tuổi nhưng đã 14 lần trộm cắp tài sản, 2 lần đánh bạc, 3 lần đánh người gây thương tích. Đặng Ngọc A, sinh năm 1992 đã cùng bạn trộm cắp xe máy của ông ngoại đem bán để lấy tiền tiêu xài. Bùi Huy H đang học lớp 7 nhưng đã có hành vi hành hung và lăng nhục ngay cả cô giáo dạy mình trước mặt các bạn học sinh cùng lớp.

Trước đó, trong 2 tháng cuối năm 2006, ở một số trường THPT, THCS, Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện Thái Thuỵ xảy ra 8 vụ học sinh tàng trữ vũ khí, tụ tập gây gổ, trộm cắp. Một số đối tượng ngoài xã hội rủ rê học sinh tham gia vào trộm cắp, số đề và các trò chơi điện tử, chặn đường cưỡng đoạt tài sản. Điển hình: 4 học sinh lớp 12 vào 2 gia đình thuộc xã Thái Giang - Thái Thuỵ trộm cắp 1 xe đạp. Cùng thời gian này, Hà Thế D (sinh năm 1987) và Nguyễn Đình Đ (sinh năm 1986) đều ở Thái Hưng, cầm kiếm đến cổng trường Trung tâm giáo dục thường xuyên II Thái Thuỵ gây gổ, xúc phạm thầy giáo, đe doạ học sinh trong trường.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức xã hội đã tác động đến nhận thức của các em. Mặt khác, sự phát triển các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như: Trò chơi điện tử, Internet, dịch vụ cầm đồ đã tạo kẽ hở, tiếp tay cho các em phạm tội. Bắt đầu từ việc lừa dối gia đình xin tiền đi học nhưng lại bỏ học đi chơi, khi hết tiền dẫn đến trộm cắp, trước của nhà, sau là của người khác. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả. Việc phối hợp trong quản lý, giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội chưa đồng bộ, còn buông lỏng, xem nhẹ. Bên cạnh đó, một số gia đình quá nuông chiều con em, thậm chí vẫn cố tình bênh vực ngay cả khi con em mình vi phạm phạm luật hoặc có biểu hiện hư hỏng. Tình trạng cha mẹ ly hôn, sống ly thân, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục con em cũng xô đẩy các em dẫn đến con đường phạm pháp.

Hiện các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại các cơ sở xã, phường, thị trấn với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, mối quan hệ gia đình - nhà trường và xã hội có vai trò hết sức quan trọng. Để các mô hình hoạt động có hiệu quả, cấp uỷ chính quyền các địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá phẩm, internet, bi-a, trò chơi điện tử… Nhà trường khảo sát số học sinh cá biệt để tăng cường quản lý. Các hộ gia đình phải thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm được hành vi của con em mình trong sinh hoạt, học tập; thời gian ở trường cũng như thời gian sinh hoạt ở gia đình.

Trước mắt, xã Hồng Minh huyện Hưng Hà và xã Thuỵ Việt huyện Thái Thuỵ được chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn tỉnh. Hy vọng mô hình này sẽ phát huy hiệu quả thiết thực góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên