Quyền hạn lớn nhưng Ban Kiểm soát SCB… không có quyền gì
VOV.VN - Tại phiên toà xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Phạm Thu Phong (nguyên Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB) khai, đây là ban có quyền hạn rất lớn nhưng thực tế không thể tiếp cận hồ sơ, dữ liệu, không biết thực trạng yếu kém của ngân hàng.
Bị cáo buộc về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB Phạm Thu Phong thừa nhận có một phần trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ án.
Làm việc tại Ngân hàng SCB từ năm 2007 đến cuối năm 2018, bị cáo Phong từng kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, như: Kiểm soát viên, Phó trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, thành viên Ban Kiểm soát, Trưởng ban Kiểm soát SCB.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Thu Phong nhận thức được Ban kiểm soát của ngân hàng là đơn vị có quyền hạn rất lớn như: kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật,... Lý thuyết là vậy nhưng thực tế, nhân sự Ban kiểm soát Ngân hàng SCB chỉ 4 - 5 người. Khi Ban tiến hành thực hiện nhiệm vụ của mình thì các bộ phận, chi nhánh của Ngân hàng SCB không hợp tác.
Trình bày trước toà, bị cáo Phạm Thu Phong khai, cuối năm 2016, khi đi kiểm tra chi nhánh, kiểm toán nội bộ không tiếp cận được hồ sơ. Lúc đó, chi nhánh phản hồi lý do là đang cung cấp hồ sơ cho tổ công tác khác. Cho đến khi hết thời hạn kiểm tra, kiểm toán nội bộ vẫn không thể tiếp cận được hồ sơ tại đó. Tiếp cận một số chi nhánh khác thì hồ sơ có nơi cung cấp đủ, nơi không, dẫn đến sai lệch kết quả không thể đánh giá được thực trạng ngân hàng.
Bị cáo Phong đã phản ánh tình trạng trên lên Chủ tịch hội đồng quản trị và thông báo ý định nghỉ việc của mình nhưng được động viên tiếp tục gắn bó vì sắp có đoàn thanh tra.
Khi thực hiện nhiệm vụ theo kết luận thanh tra là kiểm tra toàn bộ ngân hàng thì Ban kiểm soát SCB lại gặp khó vì nhân sự ít trong khi khối lượng công việc thì nhiều. Mặt khác, Ban kiểm soát còn bị chặn khi vào chương trình của ngân hàng, không truy xuất được dữ liệu, hồ sơ đi mượn thì cũng không có, các biên bản kiểm tra nhiều nơi không chịu ký xác nhận.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, những lần Hội đồng quản trị họp để quyết định tái cơ cấu, đưa các tài sản được nâng khống giá trị nhằm giải quyết các khoản nợ không có khả năng thu hồi, bị cáo Phong cũng không được dự họp.
Trong những ngày diễn ra phiên toà vừa qua, bị cáo Phong và các bị cáo khác đều cho rằng, bà Trương Mỹ Lan dù không có vị trí, vai trò, pháp lý gì tại Ngân hàng SCB nhưng mọi hoạt động của ngân hàng đều do người phụ nữ này chi phối. Vì thế khi nghỉ việc tại SCB, bị cáo Phong khai cũng phải xin phép và được sự đồng ý của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Cáo trạng xác định bị cáo Phạm Thu Phong (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB) đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định, đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong hoạt động cấp tín dụng, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, Ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ.
Hành vi của bị cáo Phong gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 90.000 tỷ đồng.