Rút ngắn thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày
VOV.VN - Thông tin này được Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cung cấp tại cuộc họp báo thường kỳ về công tác tư pháp quý III/2024.
Sáng 7/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông tin về một số kết quả công tác tư pháp quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024.
Thông tin tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, về hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 tới ngày 30/6/2025.
Trong đó, rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh.
Bộ Tư pháp đã phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với ứng dụng VNeID và phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.
Theo ông Đỗ Xuân Quý, đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…
Bên cạnh đó, trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”.
Bộ ban hành nhiều văn bản quán triệt, đôn đốc địa phương trong việc triển khai số hoá sổ hộ tịch; phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử liên quan đến khai sinh, khai tử theo đúng quy định.
Trong công tác bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); tiếp tục phối hợp các cơ quan Quốc hội hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; một số Nghị định của Chính phủ và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.