Tạm giữ hơn 22m3 gỗ quý chưa rõ nguồn gốc
Số gỗ trên được tập kết tại khu vực làng Chrao, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
- Hải quan Đà Nẵng vẫn giam lỏng lô hàng gỗ
- Hà Tĩnh: Phát hiện một vụ phá rừng có quy mô cực lớn
- Thủ phạm đánh cán bộ bảo vệ rừng là người địa phương
Ngày 20/3, Hạt kiểm lâm và Công an huyện Kông Chro (Gia Lai) đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 22m3 khối gỗ hộp nhóm 2 và 3 gồm Căm xe, Cà chít… chưa rõ nguồn gốc được tập kết tại khu vực làng Chrao, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
Qua xác định ban đầu, số gỗ này được một số đối tượng khai thác tại lâm phần thuộc quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Nghiệp Ia Pa, huyện Kông Chro và tập kết về khu vực làng Chrao gần 1 tuần nay để chờ tẩu tán.
Số lượng gỗ lực lượng chức năng đang thu giữ. |
Theo ông Trần Văn Minh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kông Chro thì đây là vụ khai thác gỗ trái phép thứ 6 bị cơ quan chức năng phát hiện tại địa bàn huyện từ đầu năm đến nay, nâng tổng số gỗ mà đơn vị này đã phát hiện và thu giữ lên hơn 60m3.
Ngày 21/3, lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan chức năng huyện Kông Chro sẽ tổ chức đi khám nghiệm hiện trường và điều tra rõ nguồn gốc cũng như chủ sở hữu của số gỗ nói trên.
Ông Trần Văn Minh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kông Chro, cho biết thêm: “Tôi sẽ chủ trì khám nghiệm hiện trường và mời các ngành tham gia như Công an, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát huyện, lực lượng kiểm lâm cùng Công ty lâm nghiệp, chính quyền xã tập trung đi kiểm tra kỹ để xác minh hiện trường. Nếu như trong quá trình điều tra hiện trường, xác định được đối tượng khai thác thì chúng tôi sẽ khởi tố vụ án. Với khối lượng vi phạm như thế đã vượt khung xử lý hành chính, nằm trong khung hình sự và chúng tôi sẽ khởi tố vụ án”.
Kông Chro là địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh Gia Lai, đồng thời cũng là một trong những địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều nhất tại tỉnh Gia Lai trong thời gian qua. Tuy nhiên do công tác quản lý và bảo vệ rừng còn nhiều lỏng lẻo, yếu kém nên tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn ngày một gia tăng. Mặt khác, mỗi khi phát hiện bắt giữ khối lượng gỗ trái phép, sau đó gỗ được đưa ra đấu giá, cơ quan chức năng, cụ thể là kiểm lâm lại được hưởng phần trăm (%) tiền đấu giá, nên rất có thể đây cũng là một kẽ hở để kiểm lâm tăng cường bắt giữ gỗ hơn là bảo vệ rừng từ gốc./.