“Thánh cô cô bóc” và những vụ vướng lao lý vì tung tin thất thiệt
VOV.VN - Mặc dù việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, song hầu hết các đối tượng đều không biết mình vi phạm.
Với sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay, hầu như ai cũng có thể đưa tin lên tnternet và sức lan tỏa của thông tin cũng rất to lớn. Chính vì thế những thông tin thất thiệt về người nổi tiếng, dịch Ebola, hay thậm chí những vụ án mạng kinh hoàng… đã ảnh hưởng tai hại trong xã hội.
Những câu chuyện ly kỳ, gây tò mò, nhưng hoàn toàn là “ảo” của các đối tượng chỉ để câu lấy sự ngưỡng mộ, được nổi tiếng đang dần lan rộng, biến tướng, thậm chí bất chấp vi phạm pháp luật chỉ để câu “like”.
Bôi nhọ hình ảnh doanh nhân để được nổi tiếng
Ngày 11/6, Cục Cảnh sát hình sự đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, trú ở ngõ 720 đường La Thành, phường Giang Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi sử dụng mạng xã hội facebook với nick name Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
"Thánh cô cô bóc" Trần Thị Hương Giang tại cơ quan điều tra |
Theo cơ quan Công an, cuối năm 2014, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số nick name Huyen Nguyen; Thánh cô cô bóc; Tuyết Anh Trần; Minh Minh Phan…Các nick name trên tự thành lập ra cái gọi là “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội facebook. Nhóm này liên tục đăng các bài viết và hình ảnh cá nhân của các doanh nhân, văn nghệ sỹ như: Trương Thị Phượng, Vũ Khắc Tiệp, Ngọc Trinh, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyễn Xuân Lan…là những người nổi tiếng trong làng giải trí Việt, với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, lực lượng chức năng đã xác định người sử dụng nick name Huyen Nguyen; Tuyết Anh Trần có tên thật là Trần Thị Hương Giang nên đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp đối với đối tượng này.
Tại Cơ quan điều tra, qua đấu tranh khai thác, bước đầu Giang khai nhận “Tập đoàn Thánh bóc” trên mạng xã hội Facebook.com bao gồm nhiều cá nhân ở trong nước và cả ở nước ngoài. Bản thân Giang sử dụng nick name là Tuyết Anh Trần, Huyen Nguyen trong “Tập đoàn thánh bóc”.
Qua quá trình sử dụng các facebook này, Giang đã đăng một số bài có nội dung bôi nhọ hình ảnh cá nhân doanh nhân Trương Thị Phượng do mâu thuẫn cá nhân và thích nổi tiếng.
Tung tin sốc giả, thu lợi quảng cáo
Trước đó, ngày 9/4, mạng xã hội dậy sóng với bản tin ghê rợn từ facebook Phạm Anh Tuấn “Rạng sáng nay 9/4, sau KTX Đại học Công nghiệp Hà Nội các bạn sinh viên phát hiện em P.T.A. sinh viên năm thứ nhất Khoa DL-sư phạm bị hiếp dâm chết lõa thể cách đó khoảng 6/7 ngày”. Tin này sau đó lan truyền cực kì chóng mặt trên mạng xã hội.
Để tránh tâm lí hoang mang, ngay lập tức, các lực lượng Công an đã xác minh và kết luận đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) xác minh được chủ nhân tài khoản facebook “Phạm Anh Tuấn” nhưng người này cho biết mình đã ngưng sử dụng facebook từ lâu vì bị hack.
PC 50 sau đó đã xác định được Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng, là hai kẻ đứng sau gây ra vụ việc. Hai đối tượng khai nhận chúng đã mua các tài khoản facebook bị hack và tạo tài khoản trên website http://dyn.com nhằm tạo ra hàng trăm tên miền có dạnghttp://xxxxx.dyndns.tv để thực hiện việc đăng tin sai sự thật lên các group (nhóm) facebook. Khi người dùng click vào sẽ chuyển hướng từ các đường dẫn đó về các website cần tăng lượng người truy cập với mục đích hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo của Google.
Đối tượng Ngô Bá Sơn (trái) và Vũ Văn Bằng tại Cơ quan điều tra (Ảnh do CAHN cung cấp) |
Từ 2/3/2015, Sơn và Bằng đã đăng hàng trăm tin khác nhau có nội dung gây sự chú ý như khiêu dâm, cướp, giết, hiếp lên hàng trăm các group (nhóm) trên facebook, mỗi nhóm có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Khi các bài viết được đăng lên, có hàng trăm ngàn lượt người xem và chia sẻ các thông tin này.
Tính đến 23/4/2015, Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đã điều hướng được khoảng 2,5 triệu lượt người truy cập vào các website khác nhau và thu lợi được hơn 20 triệu đồng.
Tung tin dịch Ebola đến Việt Nam
Vào tháng 8/2014, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin thất thiệt về việc Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai. Ngay sau đó, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đã phải họp báo chính thức để cung cấp thông tin về dịch Ebola.
Theo kết quả điều tra, ngày 11/8, Đỗ Thùy Linh (SN 1985, làm kinh doanh tự do, ở Nam Đồng, Đống Đa (Hà Nội)) soạn thảo và đăng tải bài viết nội dung về dịch bệnh Ebola lên nhóm Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam: “Các mẹ ơi, tin nhắn khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”.
Ngay sau đó, thông tin này được báo chí đăng tải, quản trị mạng của Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam trên facebook đã gỡ xuống.
Sau đó 1 ngày, Vương Bá Huy (SN 1983- chồng Linh) cũng nhận được thông tin này qua facebook và đã đăng tải lên trang cá nhân: “Thông báo: Dịch Ebola đã về đến Việt Nam mình biết tin này qua bác sĩ người nhà, gọi điện về thông báo cho con cái. Việc này rất nguy hiểm mọi người cố gắng sát khuẩn sạch sẽ bằng cách cho cồn 70 độ hòa vào chai BETADINE xịt vào tay và quần áo. Cầu mong dịch này mau sẽ qua đi sợ quá rồi. Mình thông báo tin này cho mọi người cố gắng tự ý thức để dịch không lây lan rộng”.
Thông tin của vợ chồng Huy được cư dân mạng xã hội đã bình luận, trao đổi, và lan truyền.
Ngày 13/8, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83), Phòng Cảnh sát Hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã xác định và triệu tập vợ chồng Huy lên cơ quan điều tra để làm rõ.
Tại cơ quan điều tra, 2 vợ chồng Huy khai nhận việc thực hiện hành vi nêu trên với mục đích cảnh báo và hướng dẫn cách phòng bệnh, ngoài ra không có mục đích gì khác. Sở dĩ việc Linh chọn bệnh viện Bạch Mai là nơi đang điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola là do nơi đây là bệnh viện lớn, có nhiều khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Sau khi xét thấy mục đích tung tin đồn của 2 đối tượng trên chỉ là để cảnh báo cộng đồng và chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên Công an Hà Nội đã xử phạt hành chính 20 triệu đồng.
Tung tin rắn lục đuôi đỏ để… cho vui
Vào giữa tháng 11/2014, ngay trong thời điểm các tỉnh miền Trung đang xuất hiện hiện tượng rắn lục đuôi đỏ cắn người khiến người dân hoang mang, lo lắng thì vào ngày 17 và 18/11, Võ Quốc Anh (20 tuổi, ở thị trấn Ô Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chủ nhân của facebook Yamaha xóm chùa đã đăng tải hình ảnh kèm theo dòng tin bắt được người mang theo 30kg rắn lục đuôi đỏ đi thả tại huyện Trà Mi, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi thông tin được đăng tải, đã có hàng ngàn lượt chia sẻ thông tin này.
Quốc Anh làm việc với cảnh sát. Ảnh: Vnexpress |
Tuy nhiên, cho đến khi bị cơ quan Công an “sờ gáy” vì hành vi tung tin đồn thất thiệt, Võ Quốc Anh vẫn chưa ý thức được việc làm sai trái của mình. Nam thanh niên này đã ngây thơ cho rằng, việc phao tin nhảm như trên chỉ là để “cho vui” chứ không lường hết được hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi trên, Võ Quốc Anh đã bị Công an Quảng Ngãi phạt 20 triệu đồng.
Thực tế từ các vụ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử phạt gần đây đều cho thấy, các đối tượng đều tung tin đồn chủ yếu để gây sự chú ý, để câu “like”, để chứng tỏ mình là người hiểu biết, thậm chí chỉ là để “cho vui”. Cho đến khi bị cơ quan triệu tập, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính thì mới vỡ ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Báo Công an nhân dân dẫn lời TS. Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho rằng, mặc dù việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như đã nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật, song điều đáng báo động là hầu hết các đối tượng vi phạm đều không biết rằng mình vi phạm. Điều này chứng tỏ trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ còn rất non kém và hạn chế.
Từ thực tế đó, đòi hỏi bên cạnh việc xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng để tăng tính răn đe của pháp luật thì cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là cư dân mạng những kiến thức pháp luật tối thiểu trong lĩnh vực này./.