Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm kinh tế hơn 3.500 tỷ đồng
VOV.VN - Trong đó, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.990,7 tỷ đồng, 54,9 ha đất…
Theo báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng Quý I năm 2015 của Thanh tra Chính phủ do ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Kế hoạch và Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) trình bày, trong quý I/2015, toàn ngành thanh tra đã triển khai 1.480 cuộc thanh tra hành chính và 32.897 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, báo cáo kết quả 22 vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; hoàn thiện báo cáo 11 vụ việc, đang kiểm tra, xác minh 22 vụ việc; các bộ ngành, địa phương đã giải quyết 6.277 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (5.053 vụ việc khiếu nại và 1.224 vụ việc tố cáo). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 14,8 tỷ đồng, 9,2 ha đất các loại; trả lại quyền lợi cho 310 người, kiến nghị xử lý hành chính 64 người (đã xử lý 46 người); chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, trong quý II, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc và triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2015.Trong đó, dự kiến triển khai 9 cuộc thanh tra: việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Tập đoàn Dệt may; Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chấp hành chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí đối với việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2010-2014; việc quản lý nhà nước về thiết bị và công trình y tế của Bộ Y tế ; việc sử dụng quản lý quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư theo Quyết định 123 ngày 06/12/2001 của UBND TP Hà Nội; trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Cà Mau; việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng tại Sóc Trăng.
Đồng thời, chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm tập trung vào các lĩnh vực như: thuế, hải quan, quản lý sử dụng đất đai, xuất nhập khẩu, ngân hàng, xây dựng cơ bản, đầu tư, mua sắm công, lĩnh vực sử dụng vốn viện trợ, vốn vay nước ngoài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 2100/KH-TTCP, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm 18 vụ việc còn lại theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khác...
Đặc biệt, trong năm 2015, theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, toàn ngành Thanh tra sẽ quan tâm tới việc xử lý sau thanh tra. Trước đây mới chỉ dừng lại ở khâu kết thúc thanh tra. Theo Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định 33 liên quan tới xử lý sau thanh tra, tới đây sau kết luận thanh tra, ngành Thanh tra sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, xem xét các kiến nghị nếu có, bên cạnh đó đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và xử lý triệt để…/.