Thế giới chống nạn buôn bán nội tạng người

Nạn buôn bán nội tạng phục vụ cho các ca cấy ghép đang gia tăng ở nhiều nơi, đặt ra yêu cầu phải có sự hợp tác quốc tế đối phó với vấn đề này.

Mới đây, tại trụ sở LHQ ở New York, LHQ và Liên minh Châu Âu đã công bố một bản nghiên cứu chung, trong đó đề xuất nghiên cứu và soạn thảo Công ước Quốc tế mới về Chống buôn bán nội tạng, mô, tế bào của con người.

Theo bản nghiên cứu chung được LHQ và Liên minh Châu Âu phối hợp thực hiện, trên thế giới đã tồn tại nhiều công cụ pháp lý để ngăn chặn và xử lý nạn buôn bán nội tạng, mô và tế bào của con người. Tuy nhiên, lại chưa có một định nghĩa được công nhận toàn cầu về nạn này.

Về bản nghiên cứu đề xuất công cụ pháp lý mới đối phó với tình trạng buôn bán nội tạng người, đồng tác giả của bản nghiên cứu, ủy viên công tố Carmen Prior cho biết: “Trước hết, cần có một định nghĩa về nạn buôn bán nội tạng, mô và tế bào. Thứ hai, phải có các biện pháp ngăn chặn loại tội phạm này. Thứ ba, cần các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ những người hiến tặng. Và cuối cùng, cần có các biện pháp hình sự để truy tố những kẻ buôn bán, những kẻ trung gian và cả các nhân viên y tế tham gia vào các hoạt động buôn bán nội tạng, mô và tế bào của con người”.

Cũng theo bà Carmen Prior, có sự khác biệt cơ bản giữa nạn buôn bán nội tạng, mô và tế bào với nạn buôn bán người để lấy nội tạng. Trong trường hợp buôn bán nội tạng, mô và tế bào, các bộ phận đó được lấy ra từ một cơ thể người hiến tặng còn sống hoặc đã chết. Ngược lại, việc buôn bán người để lấy nội tạng là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người, cướp đi nội tạng từ một con người còn sống.

Đồng tác giả Arthur Caplan, Chủ nhiệm khoa Đạo đức Y học thuộc trường Đại học Pennsylvania cho biết, nghiên cứu được LHQ và Liên minh Châu Âu thống nhất phối hợp thực hiện trong bối cảnh thực tế đòi hỏi cấp bách có một khuôn khổ pháp lý chung toàn cầu về vấn đề này. Ông nói: “Một tín hiệu tích cực là nhiều quốc gia đang bắt đầu có hành động nhằm ngăn chặn cả hai loại tội phạm này. Nghiên cứu cũng củng cố niềm tin của nhiều nhóm y tế, tổ chức độc lập, các tổ chức phi chính phủ vào những công ước của LHQ và Châu Âu đề cao nguyên tắc cơ bản rằng hiến tặng các cơ quan nội tạng phải hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện”.

Người dân các nước nghèo là đích ngắm của tội phạm buôn bán nội tạng

Theo các chuyên gia của LHQ và Uỷ ban Châu Âu, buôn bán nội tạng, mô và tế bào thường diễn ra dưới hình thức “du lịch cấy ghép”, trong đó công dân các nước giàu mua các bộ phận của cơ thể người ở các nước không có các biện pháp ngăn chặn hoạt động tội phạm này và bảo vệ người hiến tặng, hoặc nếu có cũng không được thực thi. Tội phạm này chiếm từ 5 - 10% số ca ghép thận hàng năm trên thế giới.

Cũng theo tác giả Arthur Caplan, cùng với khuôn khổ pháp lý mới, cần phải tìm kiếm các giải pháp dài hạn, xuất phát từ gốc rễ của vấn đề. Ông phân tích: “Vấn đề cơ bản dẫn đến nạn buôn bán là do sự thiếu hụt nguồn hiến tặng. Trên toàn cầu, nhiều quốc gia chưa có ngân hàng, trung tâm lưu trữ nội tạng, mô và tế bào đủ cho nhu cầu cấy ghép ở chính nước họ. Còn có khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trong tiếp cận việc cấy ghép nội tạng.

Ngày càng nhiều người giàu bỏ nhiều tiền của đi du lịch tới những nơi có nhiều người nghèo sẵn sàng bán nội tạng, những nơi luật pháp không kiểm soát được hoạt động của những mạng lưới buôn bán nội tạng. Tình trạng này gia tăng đòi hỏi các quốc gia phải có sự phối hợp với nhau để đối phó. Cần có những quy định rõ ràng về hiến tặng nội tạng, điều kiện để được cấy ghép, vừa bảo vệ những người hiến tặng, vừa mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh nặng mong mỏi được cấy ghép để giữ mạng sống”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên