Thời hạn tạm giam, tạm giữ để phục vụ điều tra được quy định như thế nào?

VOV.VN - Thời hạn tạm giữ tối đa không quá 3 ngày và được gia hạn hai lần, thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng.

Ngày 28/8 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trường hợp ông Nguyễn Đức Chung chỉ là một trong các trường hợp bị tạm giam, tạm giữ. Nhiều người băn khoăn, thời hạn tạm giam, tạm giữ được thể hiện như thế nào? Người thân có được thăm nom trong thời hạn tạm giam, tạm giữ hay không? Về vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh, công ty luật Minh Bạch.

PV: Luật sư có thể cho biết thế nào là tạm giữ và thế nào là tạm giam?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo quy định của pháp luật hình sự, tạm giam, tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan chức năng khi tiến hành các hoạt động xác minh điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội.

Về tạm giữ, căn cứ Điều 117 của Bộ luật Tố tụng Hình sự là biện pháp tạm giữ đối tượng, thường được áp dụng đối với những trường hợp bị bắt quả tang, trường hợp khẩn cấp, tội phạm ra tự thú, đầu thú, hoặc là đối với trường hợp bị truy nã.

PV: Vậy thời hạn tạm giam hay tạm giữ được quy định như thế nào? Vì sao ông Nguyễn Đức Chung lại bị tạm giam 4 tháng thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo Điều 118, Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giữ tối đa không quá 3 ngày và được gia hạn hai lần. Tức là, thời hạn tạm giữ trong hình sự là không quá 9 ngày, sau đấy phải chuyển hình thức tạm giam hoặc thả tự do nếu không có căn cứ xử lý về mặt hình sự.

Đối với tạm giam, căn cứ Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, biện pháp này thường được áp dụng đối với các bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Trong các trường hợp tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng, chỉ được phép tạm giam nếu thuộc các trường hợp như: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng mà vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; hay có dấu hiệu cho rằng người phạm tội sẽ tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội và đã có hành vi mua chuộc cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; hay cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc có thể đe dọa khống chế trả thù người làm chứng, người bị hại.

Về thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng và không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

PV: Như vậy, việc ông Nguyễn Đức Chung làm lộ bí mật nhà nước thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan chức năng đã ra quyết định tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra. Có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã gia hạn tạm giam. Vậy thì cụ thể trường hợp nào có thể gia hạn tạm giam?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan chức năng có thể đề nghị gia hạn tạm giam. Ví dụ như: đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì sẽ được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng thì có thể được gia hạn tạm giam một lần và không quá 2 tháng. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 3 tháng. Còn đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì có thể được gia hạn tạm giam 2 lần mỗi lần không quá 4 tháng.

PV: Thưa luật sư, đối với những đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ thì người thân có được đến thăm hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc đến thăm người bị tạm giam, tạm giữ, chúng ta gọi chung là việc thăm thân đã được quy định tại Thông tư 34 năm 2017 của Bộ Công an.

Theo Điều 4 của Thông tư này, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có quyền đến thăm gặp. Người thân được quy định là người có quan hệ như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, con dâu, con rể, vợ chồng...một số trường hợp đặc biệt như cháu ruột thì được quyền vào thăm nếu người bị tạm giữ tạm giam là ông bà của họ.

PV: Vậy thân nhân của người bị tạm giam, tạm giữ khi đến gặp cần phải làm thủ tục như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Người  thân của người bị tạm giữ, tạm giam khi đến thăm thì cần phải xuất trình giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu. Người dưới 14 tuổi thì phải có giấy khai sinh và giấy tờ khác xác nhận mối quan hệ với người bị tạm giam, tạm giữ như: sổ hộ khẩu hoặc đăng ký kết hôn.

Trong trường hợp mà không có các giấy tờ chứng minh quan hệ này thì cần có đơn đề nghị xin xác nhận của UBND hoặc cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, các cơ sở giam giữ đều có sổ thăm gặp. để theo dõi các quá trình thăm gặp.

PV: Thưa luật sư, pháp luật có quy định cụ thể gì về thời gian thăm gặp các đối tượng tạm giam, tạm giữ hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật sẽ được gặp thân nhân 1 lần trong thời gian tạm giữ và một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ kể cả ngày nghỉ. Mỗi lần gặp không quá một giờ. Tức là, một lần tạm giữ 3 ngày sẽ được gặp 1 lần, gia hạn tạm giữ lần 2 thì sẽ gặp thêm một lần nữa và nếu 9 ngày tạm giữ thì tối đa là sẽ được gặp ba lần.  

Đối với người bị tạm giam được gặp thân nhân 1 lần trong một tháng và thời gian mỗi lần gặp không quá 1 giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể đối với thời điểm thăm thân của những người này.

PV: Những trường hợp nào thì người bị tạm giam, tạm giữ không được phép gặp người thân, thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 của Luật Thi hành án tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì trong những trường hợp sau sẽ không được gặp thân nhân.

Thứ nhất, thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giam, tạm giữ hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án.

Trường hợp thứ hai, đó là trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc là để tổ chức truy bắt người bị tạm giam, tạm giữ bỏ trốn khỏi nơi bị giam giữ. Trường hợp thứ ba, là khi có dịch bệnh xẩy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ.

Thứ tư là khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Thứ năm, là khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác.

Thứ sáu, là người bị tạm giữ, tạm giam không đồng ý thăm gặp. Trường hợp này thì người thăm gặp sẽ được gặp trực tiếp người bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc họ không đồng ý thăm gặp.

Thứ bày, là người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ 2 lần trở lên.

Thứ tám, là người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật và trong những trường hợp đấy sẽ không được thăm thân.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vay tiền không trả: Coi chừng lĩnh án
Vay tiền không trả: Coi chừng lĩnh án

VOV.VN - Khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự cũng có trường hợp liên quan đến trách nhiệm hình sự.

Vay tiền không trả: Coi chừng lĩnh án

Vay tiền không trả: Coi chừng lĩnh án

VOV.VN - Khi đến hạn mà người vay không trả tiền, ngoài các trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự cũng có trường hợp liên quan đến trách nhiệm hình sự.

Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp thông tin, tránh giả mạo
Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp thông tin, tránh giả mạo

VOV.VN - Bộ Công an đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân, giúp cho việc truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn.

Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp thông tin, tránh giả mạo

Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Tích hợp thông tin, tránh giả mạo

VOV.VN - Bộ Công an đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân, giúp cho việc truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn.

Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người?
Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người?

VOV.VN - Mua bán nội tạng người là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hình phạt nào dành cho những kẻ vì lợi nhuận cố tình mua bán?

Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người?

Hình phạt nào cho hành vi mua bán nội tạng người?

VOV.VN - Mua bán nội tạng người là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hình phạt nào dành cho những kẻ vì lợi nhuận cố tình mua bán?