Thu đổi ngoại tệ trái phép: Chỉ được thu ngoại tệ liên quan?
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu chỉ liên quan đến buôn bán ngoại tệ thì công an chỉ được tịch thu số ngoại tệ liên quan.
Liên quan đến việc Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) bắt quả tang tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) đổi ngoại tệ, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP HCM cho biết, nếu chỉ liên quan đến buôn bán ngoại tệ thì theo quy định, công an chỉ được niêm phong và tịch thu số ngoại tệ liên quan.
Trước đó, lúc 13h ngày 24/4, Công an quận Bình Thạnh bất ngờ kiểm tra tiệm vàng Hoàng Mai và phát hiện một người đàn ông vào đổi 100 USD ra tiền Việt. Sau đó, công an đã khám xét, niêm phong và lập biên bản thu giữ của tiệm vàng Hoàng Mai hơn 14.000 USD và 559 lượng vàng SJC.
Tiệm vàng Hoàng Mai |
Theo ông Minh, tiệm vàng Hoàng Mai đã vi phạm luật khi không được cấp phép thu đổi ngoại tệ mà vẫn đổi ngoại tệ cho khách. Việc xử phạt sẽ áp dụng theo Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, tùy theo vi phạm của tiệm vàng Hoàng Mai, cơ quan chức năng sẽ có hai mức xử phạt. Thứ nhất xử phạt 50 - 100 triệu đồng và tịch thu tang vật. Thứ hai là xử phạt 100 - 500 triệu đồng nhưng không tịch thu tang vật.
Liên quan đến câu hỏi công an khám xét và niêm phong hơn 14.000 USD và 559 lượng vàng, ông Minh nói: “Tôi không rõ việc niêm phong này có liên quan đến sai phạm nào của tiệm vàng hay không nhưng liên quan đến buôn bán ngoại tệ trái phép thì cơ quan chỉ được tịch thu số ngoại tệ liên quan mà thôi”.
Ông Minh cho biết thêm, ngoài các ngân hàng, hiện ở TP HCM có 73 điểm được cấp phép thu đổi ngoại tệ, chủ yếu là ở sân bay, hải cảng và khách sạn từ 3 sao trở lên. Rất ít tiệm vàng được cấp phép đổi ngoại tệ, chỉ 1 - 2 tiệm nằm ở trung tâm thành phố. Ở quận Bình Thạnh chỉ có tiệm vàng Mi Hồng được cấp phép.
Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM cho biết, do Nhà nước cấm buôn bán trao đổi ngoại tệ khi chưa được cấp phép nên việc niêm phong số USD là đúng để phục vụ cho công tác điều tra.
“Ở đây chỉ là niêm phong chứ chưa phải tịch thu. Muốn tịch thu hay không Nhà nước cần phải làm rõ từng hành vi vi phạm của tiệm vàng này ở mức độ nào, vi phạm nhiều lần hay đây là lần đầu”- ông Dưng nói.
Liên quan đến việc niêm phong số vàng, ông Dưng lý giải theo Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC. Tổ chức và cá nhân nào không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp mà kinh doanh vàng miếng là vi phạm.
Ông Dưng nói: “Theo thông tin tôi nắm được thì tiệm vàng Hoàng Mai không có giấy phép kinh doanh vàng miếng. Trong trường hợp mua bán chui bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ bị niêm phong số vàng để điều tra. Tùy theo mức độ, số vàng đó sẽ bị tịch thu và người mua, người bán cũng bị xử lý”.
Theo ông Dưng, hiện ở TP.HCM có hơn 1.000 điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp phép được kinh doanh vàng miếng, chủ yếu đều là của ngân hàng.
Còn của tư nhân, chỉ có các công ty như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty vàng bạc đá quý thuộc Ngân hàng Nông nghiệp, tiệm vàng Kim Ngọc Phú (quận 6), tiệm vàng Mi Hồng (Bình Thạnh).
“Tiệm vàng Mi Hồng ở số 306 Bùi Hữu Nghĩa, rất gần với tiệm Hoàng Mai”, ông Dưng nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, vụ việc vẫn chưa được Công an quận Bình Thạnh báo về.
“Muốn hỏi thông tin anh cứ liên hệ với anh Thắng, Trưởng công an quận Bình Thạnh”, bà Hà nói.
Khi phóng viên liên lạc với ông Thắng thì ông Thắng không bắt máy./.
Nghị định 95/2011 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật”.
Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước..
Ngoài ra, Nghị định 95 còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với hành vi vi phạm…