Thu hồi trên 34.970 tỷ đồng trong các vụ việc tham nhũng diện chỉ đạo
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 715 việc, tương ứng với hơn 9.050 tỷ đồng.
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2022 (tháng 10/2021- 4/2022).
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cơ bản duy trì kết quả tổ chức thi hành án so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng số việc phải thi hành là 587.739 việc; số có điều kiện thi hành 410.615 việc và đã thi hành xong 202.015 việc, đạt 49,2%.
Về tiền, tổng số phải thi hành là hơn 292.475 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là trên 159.795 tỷ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đã thi hành xong hơn 35.183 tỷ đồng.
Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 715 việc, tương ứng với hơn 9.050 tỷ đồng.
Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, toàn hệ thống đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc, trên 34.974 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà toàn hệ thống thi hành án dân sự đã đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự như: kết quả án tín dụng ngân hàng còn thấp; công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, công tác tổ chức cán bộ vẫn còn có lúc có nơi chưa hiệu quả…
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Nhấn mạnh thời gian tới, công tác thi hành án dân sự sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị toàn hệ thống thi hành án dân sự kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022.
Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự cần tập trung các nguồn lực, quyết liệt tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao, nhất là 2 chỉ tiêu cơ bản về việc và về tiền.
Bên cạnh đó, toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, đặc biệt là những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, phản ánh, hạn chế phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp; tiếp tục thực hiện quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự tại Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
Thứ trưởng cũng yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự phải nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác, kiểm soát được tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp về kết quả công tác của mình, kiên quyết không để một số người chây ỳ làm ảnh hưởng đến công việc chung và sự vận hành của cả hệ thống./.