Tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng, manh động
VOV.VN - Gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ đang tăng lên đáng kể, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông.
Đã hơn nửa tháng trôi qua, nhưng dư luận vẫn chưa hết bức xúc về vụ việc Đoàn Văn Chuyên, 25 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên lái xe tông thẳng vào thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (cán bộ phòng cảnh sát giao thông Hà Nội).
Hậu quả của việc kéo lê gần 20 mét là Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt gẫy 3 xương sườn, chảy máu nội tạng.
Cảnh sát giao thông bị xe tải kéo lê trong quá trình điều trị tại bệnh viện. |
Dù đã vi phạm luật giao thông đường bộ, nhưng Đoàn Văn Chuyên đã bất chấp hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông, manh động chống lại người thi hành công vụ.
Ông Trần Hoàng Tuy, người chứng kiến vụ việc vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Nghe tiếng hô hào của dân chúng thì ngoảnh lại thấy 1 chiếc xe tải và 1 chú công an bám trên. Xe tải này lách qua các dòng xe, sau đó đánh võng ra một đoạn thì chú cảnh sát rơi. Chú công an nằm chách 45 độ xe kéo lê đi một đoạn”.
Một tuần sau vụ việc trên, một cán bộ cảnh sát giao thông khác cũng bị thương nặng do người vi phạm giao thông gây ra là Thượng úy Bùi Đức Toàn, Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên.
Vụ việc xảy ra vào ngày 19/12 tại Quốc lộ 39 (khu vực xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Sau khi gây tai nạn, chiếc xe BMW (do tài xế Bùi Văn Sang, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển đã lao trực diện vào xe của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khiến thượng uý Bùi Đức Toàn bị thương rất nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện.
Cảnh sát giao thông sau khi bị kéo lên trên đường. (Ảnh: Otofun). |
Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc về thực trạng chống người thi hành công vụ diễn ra thời gian qua. Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong năm qua có trên 200 vụ chống người thi hành công vụ, riêng năm 2015 có gần 40 vụ, làm hàng trăm chiến sỹ bị thương.
Hành vi của các đối tượng chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, hung hãn, coi thường pháp luật.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2014 và 2015 số vụ tai nạn giảm, số người chết dưới 10.000. Đây là kết quả to lớn, trong đó công rất lớn của lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, tình trạng chống người thi hành công vụ, coi thường pháp luật xảy ra nhiều. Đây là việc không thể chấp nhận được”.
Theo ý kiến từ phía người dân, cũng như các cơ quan chức năng những hành vi chống người thi hành công vụ, như cố tình điều khiển phương tiện đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát giao thông có thể coi là hành vi giết người. Với tính chất nghiêm trọng như vậy, cần phải được xử lý nghiêm để tăng tính răn đe.
Cùng với đó là tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật giao thông đường bộ, để đề phòng những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Ông Bùi Văn Thánh, Đội trưởng Đội thanh tra an toàn, Cục Quản lý Đường bộ 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu ý kiến: “Dù đối tượng vi phạm có biểu hiện không hợp tác, chây ỳ kéo dài thời gian thì lực lượng chức năng chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý đến cùng. Để đạt được mục tiêu là để đối tượng chấp hành thì chúng tôi tiến hành luôn công tác tuyên truyền”.
Dưới góc độ của chuyên gia tư vấn, Luật sư Tạ Văn Phú, Công ty Luật Ánh sáng Việt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ cần được xử lý trách nhiệm hình sự.
“Không cần có một hậu quả cụ thể xảy ra, mà chỉ có hành vi vi phạm của người vi phạm là có thể xử lý trách nhiệm hình sự. Đây chính là điều mà tôi cho rằng các quan nhà nước cần phải xem xét và hướng dẫn cụ thể hơn để xử lý rõ ràng hơn, răn đe tốt hơn, nghiêm minh hơn; tăng hình phạt tùy vào tính chất mức độ”, luật sư Phú nêu quan điểm.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 28/12 vừa qua, “vấn đề nóng” này cũng đã được nêu ra, khi Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo hướng tăng mức hình phạt, bảo đảm đủ răn đe đối tượng.
Đồng thời, người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân trong những tình huống cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Có ý kiến ủng hộ cho rằng việc trang bị không chỉ giúp lực lượng thực thi công vụ vững tâm hơn khi làm nhiệm vụ, mà còn răn đe được những hành vi vi phạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thực sự hiệu quả, đúng quy định để tránh xảy ra lạm quyền./.