Tình trạng “tín dụng đen“: Luật vẫn còn nhiều kẽ hở?
VOV.VN - Đại tá Phạm Văn Tám: “Ngoài kẽ hở pháp luật thì hệ thống ngân hàng mỏng, thủ tục vay vốn rườm rà, là nguyên nhân cho tín dụng đen phát triển”.
Cuối tháng 11 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an Thanh Hoá và một số địa phương điều tra, bóc gỡ đường dây tội phạm “tín dụng đen” với tên gọi “Công ty tài chính Nam Long” rất lớn do Nguyễn Đức Thành SN 1988 ở Kinh Môn, Hải Dương cầm đầu. Được biết, thời điểm bị bắt, tổ chức tín dụng này có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Mức cao nhất lên tới 1.043%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất từ trước đến nay bị phát hiện.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an. (Ảnh: Trọng Phú)
Trước đó, công an tỉnh Đắk Lắk cũng phá một đường dây cho vay nặng lãi do Bùi Văn Thịnh 26 tuổi, trú ở TP Hải Phòng, tạm trú tại đường Dương Văn Nga, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cầm đầu. Theo điều tra ban đầu, hằng ngày Thịnh chỉ đạo 9 đàn em của mình in hàng trăm tờ quảng cáo “cho vay không cần chứng minh, hộ khẩu”, “Alo là có tiền” rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên các bờ tường, cột điện khắp các buôn làng. Trước những lời mời chào cho vay dễ dãi đó, đã có 269 hộ dân ở nhiều huyện, xã của tỉnh Đắk Lắk “sập bẫy” vay tiền và trả lãi suất cắt cổ. Trong số 269 hộ dân vay tổng cộng 2,6 tỷ đồng, có 40 hộ dân là người đồng bào DTTS vay với số tiền 950 triệu đồng….
Người dân khó tiếp cận vốn vay Ngân hàng
Liên quan đến tình trạng này, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 4.510 vụ án hình sự, trong đó có rất nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen; nhiều hệ luỵ có nguyên nhân phát sinh từ “tín dụng đen” dẫn đến tội phạm và các vi phạm khác như: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Đại tá Phạm Văn Tám do hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay tiền chưa bám sát nhu cầu người vay tiền, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức ngân hàng, tín dụng lại rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục rất ngắn gọn.
Đại tá Phạm Văn Tám cho rằng: Để giải quyết triệt để tình trạng này còn nhiều khó khăn, do trong quy định của Bộ Luật Hình sự đây là tội phạm ít nghiêm trọng, hình phạt cao nhất chỉ có 3 năm tù. |
Thậm chí các đối tượng này chủ động tìm đến những người có nhu cầu vay vốn thông qua quảng cáo, nhắn tin không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu,… trong vòng 1 tiếng, thậm chí có nơi chỉ cần 15, 30 phút đồng hồ là tiền đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa theo Đại tá Tám khá quan trọng đó là nguồn tiền nhàn rỗi trong dân còn khá lớn, nhiều người dân do hám lợi nên cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian để hưởng lãi suất cao, gây ra nhiều rủi ro lớn.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều năm nay, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo xử lí. Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương đang đấu tranh với 210 băng nhóm, 1.565 đối tượng hoạt động có tổ chức về “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê.
Luật chưa đủ tính răn đe
Tuy nhiên, Đại tá Phạm Văn Tám cho rằng, mặc dù đã có nhiều giải pháp đưa ra, nhưng để giải quyết triệt để tình trạng này còn nhiều khó khăn do trong quy định của Bộ Luật Hình sự đây là tội phạm ít nghiêm trọng, hình phạt cao nhất chỉ có 3 năm tù. Trong khi đó, cách tính lãi suất của mỗi địa phương khác nhau cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng công an.
Một khó khăn nữa, theo Đại tá Tám là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Đại tá Phạm Văn Tám cho hay, nhiều địa phương có quan điểm cho rằng, đây là tội phạm ít nghiêm trọng nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc điều tra làm rõ và bóc gỡ được hết các đối tượng trong đường dây này. Thậm chí lợi dụng điều này có thể đối tượng sẽ bỏ trốn. Cùng với đó, người đi vay “tín dụng đen” chỉ khi có người thân bị bắt giữ trái pháp luật, hủy hoại tài sản, đe dọa tống tiền, thậm chí Giết người mới trình báo cơ quan công an. Đặc biệt, một bộ phận lớn vay không chính đáng nên càng không muốn hợp tác với cơ quan điều tra gây khó khăn truy tìm người bị hại.
Để giải quyết hiệu quả tình trạng “tín dụng đen”, Đại tá Tám cho rằng, ngoài trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, quan trọng nhất là hệ thống Ngân hàng cần mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, có các gói, khoản vay ưu đãi nhất là vay học đường, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh thu hút nguồn tiền, vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để huy động tối đa nguồn vốn, phục vụ người dân. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương, cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và thủ đoạn, phương thức hoạt động, tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Đại tá Tám, cơ quan chức năng cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, xử lý tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và một số tội danh có liên quan. Có như vậy mới dần ngăn chặn hiệu quả tội phạm này, đảm bảo ANTT, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế./.
Khởi tố 5 đối tượng từ Hà Nội vào Gia Lai hoạt động tín dụng đen