Tòa tuyên 2 "bảo mẫu" hành hạ trẻ cùng 3 năm tù
VOV.VN - HĐXX nhận định, tuyên mức án cao nhất theo khung hình phạt đối với 2 bị cáo mới đủ để răn đe
Lúc 11h30: HĐXX tuyên mỗi bị cáo mức án 3 năm tù, mức cao nhất theo đề nghị của Viện Kiểm sát.
Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi đánh, tát của các bị cáo gây ảnh hưởng bất bình nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội, làm mất uy tín cho ngành giáo dục. hành động của các bị cáo cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách của trẻ sau này. Việc Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.
Lúc 10h50: Tòa nghị án.
Lúc 10h45: Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Phương đã khóc rất lớn. “Bị cáo đã ăn năn hối hận về việc làm của mình. Được làm cô giáo giữ trẻ là ước mơ lớn nhất của bị cáo. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới các anh chị phụ huynh. Xin lỗi các thầy cô giáo đã giáo dục mình nên người. Xin tòa xét xử giảm tội để bị cáo nhanh chóng được trở lại với gia đình còn con nhỏ và ba mẹ già.”
Trong lời sau cùng, bị cáo Lý nói: “Trước kia bị cáo cảm thấy mình không hợp với nghề giữ trẻ. Nhưng ba mẹ ép theo nghề. Bị cáo đã biết tội của mình rồi, mong tòa xem xét giảm nhẹ”.
Lúc 10h30: Đến phần bào chữa cho các bị cáo, Luật sư bào chữa cho rằng: “Phần luận tội của HĐXX quá đầy đủ và chặt chẽ về hành vi của 2 bị cáo, nên tôi không có ý kiến gì”.
Nghe vậy, hàng ngàn người tham dự phiên tòa đã vỗ tay tán thành.
Lúc 10h15: Đại diện VKS vẫn tiếp tục phần hỏi các bị cáo.
Lúc 10h00: Trong quá trình luận tội của HĐXX, bị cáo Lê Thị Đông Phương khai đã 2 lần thực hiện hành vi bạo lực với cháu Hòa và cháu Lâm. Bị cáo Phương khai, lúc đó cháu Hòa bị bệnh nên không ăn được nên Phương cho cháu ăn cháo nhưng cháu Hòa nên đánh vào mặt, dùng tay bóp vào thái dương.
Hội đồng xét xử |
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi, “Vậy cháu có ăn không?, “không ăn”, bị cáo trả lời.
Còn đối với bé Thụy Lâm lúc đó mới 10 tháng tuổi, bị cáo Phương khai, lúc đó cháu không ăn nên Phương đè cháu bé xuống kẹp cổ ép cháu ăn nên Thụy Lâm có ăn một ít. Tòa hỏi bị cáo có bao giờ cho con mình ăn những bữa ăn đầy nước mắt như vậy không?, bị cáo trả lời không.
Tòa tiếp tục hỏi nếu con của bị cáo bị người khác đối xử như thế bị cáo cảm thấy thế nào?, bị cáo trả lời buồn.
Lúc 9h40: Trong phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Lê Thiên Lý khai rằng rất hối hận vì hành vi của mình. Bị cáo xin lỗi các bé và phụ huynh các bé.
Khi HĐXX hỏi cho các bé ăn bằng hình thức hành hạ, dọa các bé như vậy, các bé có ăn không. Bị cáo Lý trả lời dọa như thế các bé sẽ sợ và có ăn chút ít.
Bị cáo cũng nhận thức được hành vi tội lỗi của mình và khai rằng, từ khi bị tạm giam, bị cáo rất ân hận.
Lúc 9h30: Trong phần xét hỏi, bị cáo Lý cho biết mình có quan hệ họ hàng với chủ cơ sở giữ trẻ (tức bị cáo Phương). Bị cáo Lý gọi Phương bằng mợ.
Bị tòa, bị cáo Lý cho biết, mình được chủ cơ sở giao nhiệm vụ chăm sóc “đặc biệt” những trẻ biếng ăn như cháu Tuấn Khang, Trần Hòa…. “Bị cáo có những hành động với bé Tuấn Khang bao nhiêu lần”, HĐXX hỏi. “Bị cáo cho bé ăn 2 lần thấy bị ói nên mới ấn đầu, vỗ vào lưng để cháu ói hết”, bị cáo Lý nói.
HĐXX hỏi tiếp: “Mục đích hành động như vậy để làm gì”, “cho các bé sợ để ăn”, lý giải thích. “Vậy các cháu có ăn không?”, HĐXX truy vấn. “Dạ không, bị cáo thấy hối hận lắm rồi”, bị cáo Lý trả lời.
Theo chị Lệ (mẹ cháu Khang trình bày), các bị cáo trình bày không đúng sự thật. Theo chị Lệ, các bị cáo nói hành hạ cháu bé 2 ngày là không đúng. Chị Lệ tố cáo cô Lý hành động như vậy không phải là ép cho cháu ăn mà đó là hành vi thỏa mãn thú tính. Chị Lệ yêu cầu xử nghiêm với các bị cáo.
Bà Phương (mẹ cháu Hòa) đứng dậy nghe hội đồng hỏi. Chị Phương trả lời, sau khi nghỉ học bé Hòa không bị bệnh nữa. Chị Phương nêu quan điểm: chứng kiến con bị hành hạ, chị mong tòa trừng trị những bảo mẫu theo đúng pháp luật; yêu cầu nhà trẻ Phương Anh phải bồi thường số tiền 1 năm đi học (15 triệu đồng) và số tiền lo bệnh cho bé sau này (45 triệu đồng) cho gia đình.
Quá đông người dân trào vào phòng xét xử, lực lượng công an bảo vệ phải đóng cửa |
Lúc 9h15: Hội đồng xét xử hỏi bị báo Lê Thị Đông Phương đã từng vi phạm gì chưa, bị cáo này đáp: Từng bị xử lý vì hành vi kinh doanh trái phép.
Ngày 15/11/2012, tổ kiểm tra liên ngành phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức kiểm tra phát hiện nhà trẻ Phương Anh giữ 9 trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên không có giấy phép hoạt động nên lập biên bản yêu cầu ngưng hoạt động nhưng nơi này vẫn tiếp tục hoạt động.
Hai bảo mẫu đứng trước vành móng ngựa |
Sau đó, phường một lần nữa kiểm tra và tiến hành xử phạt hành chính, yêu cầu Phương ngưng ngay hoạt động giữ trẻ nhưng quyết định này tiếp tục bị phớt lờ.
Ngày 13/12/2013, Công an quận Thủ Đức nhận được đoạn clip quay được cảnh Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở mầm non Phương Anh, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) hành hạ nhiều trẻ bằng những hành vi đánh đập, đe dọa. Ngày 17/12/2013, Công an quận Thủ Đức bắt tạm giam 2 người này.
Tại cơ quan điều tra, 2 bảo mẫu thừa nhận việc đánh đập, đe dọa như tát liên tục, chổng ngược đầu bé vào thùng nước, bịt mũi khi cho uống sữa... Tuy nhiên, họ cho biết chỉ muốn làm các bé sợ và chịu ăn uống.
Cáo trạng của Viện KSND quận Thủ Đức truy tố hai bị cáo nói trên ra tòa để xét xử về tội “hành hạ người khác” với khung hình phạt từ 1 đến 3 năm tù.
Phòng xét xử trật kín không còn một chỗ trống |
Hai bảo mẫu bạo hành trẻ em Đông Phương (trái) và Thiên Lý (phải) |
Sau đó đoạn clip cũng xuất hiện trên thông tin đại chúng khiến dư luận vô cùng bức xúc trước hành vi mất nhân tính của 2 đối tượng. Từ những bằng chứng rõ ràng và lời khai của Đông Phương và Thiên Lý cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp cả 2 để điều tra hành vi “hành hạ người khác”.
Vụ án gây xôn xao dư luận nên sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm đẩy mạnh tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm./.