Trẻ nghi bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng sẽ được đưa đến nơi ở mới
VOV.VN - Liên quan đến vụ việc nghi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ 52 đường Tô Ký, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM, UBND Quận 12 đề xuất ngay hôm nay đưa tất cả trẻ em về cơ sở bảo trợ xã hội công lập.
Ngày 4/9, lực lượng Công an Quận 12, Công an phường Trung Mỹ Tây phối hợp UBND phường tiến hành kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng và mời một số người về trụ sở làm việc, lấy lời khai.
Lực lượng chức năng ghi nhận, Mái ấm Hoa Hồng có 86 trẻ, trong khi giấy phép hoạt động do phòng Lao động Thương binh và xã hội Quận cấp là 39 trẻ.
UBND Quận 12 đề xuất ngay hôm nay sẽ đưa tất cả trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng về cơ sở bảo trợ xã hội công lập để có điều kiện chăm sóc tốt hơn, sau đó sẽ tiến hành sàng lọc, xác minh nhân thân.
Liên quan đến vụ việc trên, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đã có văn bản gửi UBND Quận 12, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Quận 12, Công an quận 12 đề nghị kịp thời có biện pháp xử lý để đảm bảo sự an toàn đối với trẻ em đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, vụ việc điều tra trên báo chí cho thấy, việc bạo hành, ngược đãi trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng đã xảy ra nhiều lần và trong một khoảng thời gian dài.
Theo ông Nghinh, vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, nơi có số lượng trẻ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng khá lớn, trong đó có nhiều trẻ em ở lứa tuổi sơ sinh là hết sức nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ.
Còn đối với người dân, sau khi theo dõi thông tin báo chí về vụ việc, nhiều người tỏ ra rất bức xúc và phẫn nộ.
Anh Phùng Quang Tuấn, 45 tuổi, ngụ Quận 12 cho biết: “Đáng lẽ những đứa trẻ đó cần được chăm sóc, đùm bọc để cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng đàng này họ lại đối xử tàn nhẫn và thô bạo đến như vậy. Cuộc sống không thể để xảy ra những tội ác như vậy. Tôi mong chính quyền vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý nghiêm”.
Trẻ bạo hành bị sang chấn tâm lý
Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Lụa, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, việc bạo hành đều ảnh hưởng đối với trẻ ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trong 3 năm đầu đời là giai đoạn hình thành nhân cách thông qua việc quan sát thế giới môi trường xung quanh mà trẻ sống. Việc bạo hành sẽ gây tổn thương cho trẻ rất lớn về sau này.
Những hành động nghi bạo hành xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng sẽ để lại các sang chấn tâm lý rất nghiêm trọng và tác động lâu dài. Cụ thể, trẻ có thể mất sự tự tin vào bản thân, dẫn đến tâm lý ám ảnh sợ xã hội. Trẻ có thể trở nên rụt rè, không dám kết bạn với những đứa trẻ mới hoặc ngược lại có thể trở nên hung hăng, nóng giận.
Các hành vi bạo lực sẽ để lại ký ức trong trẻ hình ảnh bị đánh đập, bị hành hung, như vậy sau này tâm lý trẻ sẽ tự cho mình là thấp kém, nên mới bị đánh. Hoặc ngược lại cũng có những trẻ sẽ có những hành vi quậy phá về sau, dễ có các hành vi tấn công người khác.
Chuyên gia tâm lý Phùng Thị Lụa cho rằng:" Ôm ấp vỗ về khi mà mình tiếp nhận đến bạn đó. Hát hò hoặc thông qua hoạt động chơi để mình nhận ra đứa trẻ đó còn biểu hiện sợ hãi nữa, quan sát tiếp về mặt tâm lý của con. Ví dụ những đứa trẻ nhỏ trước một tuổi chưa biết nói, thì mình có thể hiện thông qua hoạt động vui chơi, như nó có sẵn sàng chơi hay không. Hoặc là qua việc ăn ngủ của những trẻ đó như thế nào, ví dụ như quấy khóc đêm hoặc là bỏ ăn, bám vứu, không có muốn chơi".
Theo điều tra của báo chí, tại Mái ấm Hoa Hồng, nơi nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, có nhiều trường hợp trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh, nghi bị bảo mẫu bạo hành với các hành vi như: Ném trẻ xuống nệm, bóp mạnh đầu trẻ, và tát mạnh vào mặt trẻ khiến chúng bị thương.
Các hành vi này diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm khi không có sự giám sát của người ngoài.
Từng cùng công ty đi thăm Mái ấm Hoa Hồng và một số nơi nuôi trẻ mồ côi khác, chị Trần Thị Lam, 43 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức chia sẻ, những hoạt động bên ngoài không thể phát hiện ra trẻ bị đánh đập, bạo hành, hoặc cũng có thể nhóm trẻ có vết thương đã bị dấu đi.
“Càng thương bao nhiêu thì mình càng phẫn nộ đối với những người bạo hành những bé ở mái ấm. Nhà nước phải có phương án quản lý các trung tâm đang bảo trọ trẻ em, đặc biệt là đối với những trẻ chưa biết nói. Phải có một cơ quan độc lập thực hiện thăm khám định kỳ thường xuyên cho trẻ ở trong các trung tâm, để phát hiện kịp thời những hành vi bạo lực mà do báo mẫu gây ra” - Chị Trần Thị Lam bày tỏ.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tại Mái ấm Hoa Hồng hiện có tổng cộng 86 trẻ em. Phòng 101 của Mái ấm Hoa Hồng có 15 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, phòng 202 có 37 trẻ từ 1 tuổi đến khoảng 3 tuổi, 31 trẻ đi học bên ngoài mầm non Sóc Bông, 3 trẻ đang nằm bệnh viện.