Triệt phá nhóm tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao
2 người nước ngoài, một người Việt tham gia vụ lừa đảo đã sa lưới pháp luật, 1 đối tượng đang bị truy nã.
Bắt đầu từ lá đơn của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Khánh Hòa (Khaspexco) ở số 10 Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang gửi đến Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh Khánh Hòa cuối tháng 9/2013, tố cáo Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TMDV Lê Quyên có trụ sở giao dịch ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã cấu kết với một số người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt của Khaspexco 121.000 USD.
Nnadikwe Christian Sunday, Deke Collins và Lê Thị Kim Quyên đang ở trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa. |
Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa được lệnh vào cuộc phối hợp các Phòng An ninh kinh tế, Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa và một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục an ninh 1, Tổng cục an ninh II - Bộ Công an xác minh điều tra, thu thập các chứng cứ tài liệu có liên quan. Qua đó được biết, thông qua hộp thư điện tử của doanh nghiệp, ngày 25/6/2013, Khaspexco giao dịch hợp đồng ngoại thương số KX7003 với Chi nhánh Công ty Safcol Australia Pty L.T.D có địa chỉ ở 189 Philip Highway Elizabeth South 5112 SA Australia - Chi nhánh tại Thái Lan.
Theo hợp đồng, Khaspexco thỏa thuận cung cấp cho Safcol 13.000 kg hàng thủy sản có tổng trị giá 121.000 USD kèm theo đề nghị chuyển trả tiền hàng vào tài khoản của Khaspexco tại Chi nhánh ngân hàng ngoại thương (Vietcombank) Nha Trang. Do chưa thấy đối tác chuyển tra tiền hàng nên Khaspexco đề nghị phía đối tác phối kiểm thông tin tài chính và được Safol tại Thái Lan phúc đáp kèm theo email từ hộp thư điện tử của Khaspexco đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của Chi nhánh Công ty Lê Quyên tại Shinhan Bank Việt Nam. Theo đó, ngày 19/8/2013, Safcol Australia đã chuyển tiền theo yêu cầu thay đổi nêu trên của Khaspexco.
Bất ngờ trước sự thay đổi lạ lùng này, Khaspexco đã kiểm tra và khẩn báo cho Công an tỉnh Khánh Hòa về một phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Truy xét thông tin nêu trên, các điều tra viên Phòng ANĐT Công an Khánh Hòa xác định Chi nhánh Công ty Lê Quyên do bà Lê Thị Kim Quyên, 34 tuổi, đăng ký thường trú ở ấp 1, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long làm giám đốc. Ba ngày sau khi Sofol Australia chuyển tiền “nhầm” tài khoản do bị lừa đảo, ngày 22/8/2013, Kim Quyên cùng người tình là Mamado Abdallar Mark, 38 tuổi, quốc tịch Nigieria - Giám đốc Công ty TNHH Jomat - ở phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã đến Shinhan Bank rút toàn bộ số tiền 121.000 USD. Mamado là kẻ chỉ đạo hai đồng bọn người Nigeria là Nnadikwe Christian Sunday và Deke Collins - tạm trú ở TP Hồ Chí Minh, sử dụng công nghệ cao, xâm nhập hộp thư điện tử của Khaspexco để nắm thông tin và soạn thảo văn thư đề nghị Safcol chuyển tiền vào tài khoản Chi nhánh Công ty Lê Quyên để thực hiện phi vụ lừa đảo ngoạn mục nêu trên để lấy tiền chia nhau tiêu xài. Trong đó Mamado - Kim Quyên được chia 20%, Nnadikwe và Deke 10%, phần còn lại 70% chuyển vào tài khoản của một ông “trùm” có tên Chief Brother ở Nigeria.
Đấu tranh mở rộng vụ án, Công an Khánh Hòa phát hiện ngoài phi vụ nêu trên, đôi tình nhân Mamado - Kim Quyên còn cấu kết với Nnadikwe và Deke thực hiện ba vụ lừa đảo khác. Đầu tháng 8/2013, một doanh nghiệp ở phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng bán cho Công ty Shwe Pann Dain General Tradingco Operative L.T.D ở Myanmar 32.379 kg ống thép, tổng trị giá 178.250 USD. Ba ngày sau khi ký hợp đồng, bên mua tạm ứng cho bên bán 28.250 USD, phần còn lại 150.000 USD sẽ thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) sau khi nhận hàng. Thông tin giao dịch kinh tế đã bị Mamado và đồng bọn trộm cắp thông tin và xâm nhập vào email của bên bán, rồi soạn thảo văn bản hướng dẫn Shwe chuyển tiền tạm ứng vào tài khoản Chi nhánh Công ty Lê Quyên tại Shinhan Bank Việt Nam để chiếm đoạt 28.250 USD.
Trước đó vào giữa tháng 4/2013, một phụ nữ họ Dương - 31 tuổi, trú ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn kết bạn qua facebook với William Coulter, 49 tuổi - quốc tịch Anh. Ba tháng sau, William báo tin vừa gửi tặng chị Dương 1 nhẫn vàng trị giá 8.000 USD, 1 lọ nước hoa và 25.000 bảng Anh. Tưởng đó chỉ là chuyện đùa, không ngờ đầu tháng 8/2013, chị Dương nhận được điện thoại, tin nhắn của một phụ nữ đề nghị gửi 85 triệu đồng lệ phí vào tài khoản Chi nhánh Chi nhánh Công ty Lê Quyên tại Shinhan Bank Việt Nam để nhận quà của William từ Anh quốc. Cả tin nên chị Dương sập bẫy lừa và mất trắng số tiền nêu trên.
Tương tự như thế, thông qua mạng xã hội Badoo, một phụ nữ họ Trương - 46 tuổi, trú ở phường Lộc Thọ, TP Nha Trang quen biết một người có tên Austin F Eric ở Anh quốc. Giữa tháng 8/2013, người này báo tin đã gửi tặng 1 laptop HP, 1 điện thoại Apple, 1 đồng hồ và 1 bó hoa ép khô theo đường phi mậu dịch. Một tuần sau đó có người phụ nữ điện thoại đề nghị chị Trương chuyển 76 triệu đồng vào tài khoản Chi nhánh Công ty Lê Quyên tại Shinhan Bank Việt Nam để nhận quà của Austin. Tưởng thật nên chị Trương trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo. Sau 4 phi vụ lừa đảo, Mamado Abdallar Mark cùng đồng bọn đã chiếm đoạt 149.250 USD và 161 triệu đồng.
Theo Đại tá Trương Vinh Quang - Trưởng phòng ANĐT Công an Khánh Hòa, đến nay cơ quan này đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Thị Kim Quyên, Nnadikwe Christian Sunday và Deke Collins về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời ra quyết định truy nã Mamado Abdallar Mark - đối tượng cầm đầu. Sau khi vào cuộc, cơ quan điều tra đã thu giữ 4.600 USD, 127 triệu đồng đã chiếm đoạt của Khaspexco do Nnadikwe và Deke giao nộp cùng một số chứng cứ, tài liệu khác. Từ vụ án này, thêm một bài học cảnh giác cần thiết khi giao dịch kinh tế qua hộp thư điện tử, kết bạn qua mạng xã hội./.