2 năm không tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý viên bị thu thẻ?
VOV.VN -Chính phủ đề nghị thu thẻ TGPL viên nếu 2 năm không hoạt động tố tụng, tuy nhiên báo cáo thẩm tra đề nghị không quy định nghĩa vụ này.
Sáng 27/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, làm việc tại hội trường Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp Pháp lý (TGPL) năm 2006 và định hướng đổi mới công tác TGPL của Chính phủ, Dự thảo Luật chỉ quy định 3 hình thức TGPL là: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (trái) đọc báo cáo tại hội trường Quốc hội |
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, so với Luật TGPL hiện hành, Dự thảo Luật đã bỏ các hình thức TGPL khác nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác TGPL, tránh dàn trải, nặng về hình thức và trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở... như hiện nay.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định theo (điểm a khoản 2 Điều 23), trong thời hạn 2 năm liên tục Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng sẽ bị thu hồi thẻ (điểm đ, khoản 1, Điều 20) nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực TGPL.
Trong khi đó Báo cáo thẩm tra dự án Luật trợ giúp pháp lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngoài 3 hình thức trợ giúp pháp lý cơ bản, Luật trợ giúp pháp lý hiện hành còn quy định có “các hình thức trợ giúp pháp lý khác” (Điều 27) được thực hiện thông qua việc giúp đỡ các bên hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật (Điều 31).
Hiện nay, “các hình thức trợ giúp pháp lý khác” được thực hiện chủ yếu dưới hình thức tổ chức “trợ giúp pháp lý lưu động” để trực tiếp tư vấn cho người dân tại cơ sở, thông qua đó không chỉ người trực tiếp được trợ giúp pháp lý mà cả những người khác cùng tham dự cũng được nghe tư vấn pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình hoặc chủ động tìm đến “trợ giúp pháp lý” khi có nhu cầu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Cách làm này đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đóng vai trò quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật hiện hành, tiếp tục quy định về vấn đề này.
Đồng thời, cần nghiên cứu để luật hóa “các hình thức trợ giúp pháp lý khác” phù hợp với thực tế thời gian qua nhằm giúp người dân được tư vấn pháp luật trực tiếp, giải tỏa những vướng mắc về pháp luật ngay tại nơi mình sinh sống, góp phần hỗ trợ chính quyền cơ sở.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành chỉ quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý như trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị không quy định Trợ giúp viên pháp lý có nghĩa vụ “bảo đảm chỉ tiêu vụ việc trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp giao” (điểm a khoản 2 Điều 23).
Bởi vì, ở mỗi địa bàn khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, số lượng yêu cầu trợ giúp pháp lý phát sinh là khác nhau, do đó không thể “ước lượng” số vụ việc để giao chỉ tiêu cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện.
Hơn nữa, đây là biện pháp quản lý, đánh giá cán bộ, không nên quy định trong dự thảo Luật./.
Hơn 600 phạm nhân được trợ giúp pháp lý trước khi mãn hạn tù