Bố chưa trả được tiền gây oan sai, con phải có trách nhiệm trả?
VOV.VN - "Người đó không trả được thì con họ phải trả. Người thừa kế của những cán bộ gây oan sai phải nhận trách nhiệm, nghĩa vụ đó"
Trao đổi với phóng viên VTC News về vấn đề xem xét trách nhiệm bồi thường của các cán bộ gây oan sai cho người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng trước mắt, theo Luật Bồi thường Trách nhiệm Nhà nước, thì Nhà nước đứng ra tạm ứng còn người gây ra oan sai cũng phải chịu trách nhiệm và phải trả lại cho Nhà nước. Trường hợp xác định người gây ra oan sai không có tiền thì vẫn xác định trách nhiệm phải trả, bồi thường cho nhà nước. “Người đó không trả được thì con họ phải trả. Người thừa kế của những cán bộ gây oan sai phải nhận trách nhiệm, nghĩa vụ đó. Không có chuyện người gây ra oan sai không có tiền để rồi “hoà cả làng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, trước khi hưởng quyền thừa kế, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản để lại.
Cụ thể, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, khoản 1 điều này quy định: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Khoản 3 điều này cũng nêu rõ: Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận.
“Theo quy định này, trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Nhà nước khoản tiền Nhà nước đã dùng để bồi thường, đã chết và có tài sản để lại cho con, cháu được hưởng thừa kế, thì con cháu nhận thừa kế có trách nhiệm sử dụng tài sản được hưởng để tiếp tục hoàn trả lại cho Nhà nước. Phần tài sản thừa kế còn lại sau khi đã hoàn trả đủ cho Nhà nước, con cháu mới được hưởng. Tuy nhiên, nếu không đủ, con cháu không bị buộc phải có trách nhiệm sử dụng tài sản riêng của họ để hoàn trả, trừ khi chính họ muốn làm điều đó”, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh phân tích thêm.
Điều 615 - Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân".
Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc lâu nay mới thấy báo chí thông tin việc cơ quan Nhà nước chi trả tiền bồi thường oan sai chứ chưa thấy thông tin các cán bộ làm sai phải bồi thường, luật sư Vũ Ngọc Chi dẫn quy định tại Điều 8, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước có hiệu lực 1/1/2010, cho biết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có nhiệm vụ thực hiện chi trả cho người bị thiệt hại và quyết toán kinh phí bồi thường. Theo quy định tại Điều 14 của Luật này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.
Điều 10, khoản 2, mục b Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước cũng quy định rõ, người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ xác định mức hoàn trả, trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì theo quy định tại Điều 57, những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.
Việc thực hiện hoàn trả, theo quy định tại Điều 62, có thể thực hiện 1 lần hoặc nhiều lần, nếu trừ vào lương thì tối thiểu dưới 10% hoặc tối đa không quá 30%.
Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định rõ, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo điều 26 của Luật này./.
Kiểm điểm trách nhiệm 12 người làm oan sai ông Huỳnh Văn Nén
Ông Huỳnh Văn Nén đã nhận đủ số tiền bồi thường oan sai
Cá nhân gây oan sai phải bồi thường