Bồi thường oan sai:Người thi hành công vụ làm sai, trách nhiệm đến đâu
VOV.VN -Theo ông Bùi Văn Xuyền, lần này trong Luật xác định rõ hơn các trường hợp phải bồi thường oan sai để tăng phần trách nhiệm của công chức, viên chức.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, năm 2017 tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường từ các bản án, quyết định của tòa án là gần 33 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền hoàn trả từ người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại chưa đầy 170 triệu đồng. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Bùi Văn Xuyền. (Ảnh: Ngọc Thành)
Ông Bùi Văn Xuyền: Đây cũng là thực tiễn nhiều năm nay chứ không phải chỉ có năm 2017 Nhà nước đứng ra bồi thường cho những vi phạm của cán bộ công chức, viên chức. Tôi cho rằng việc này thực hiện đúng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Song đây cũng là hạn chế của Luật năm 2009, vừa qua, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội sửa Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
PV: Dư luận cho rằng gốc của vấn đề nằm ở chính các văn bản luật do quy định về mức hoàn trả cũng như trách nhiệm của người thi hành công vụ khi làm sai còn quá nhẹ nên họ đã làm ẩu, làm bừa dẫn tới oan sai, thậm chí cố tình làm sai vì động cơ nào đó. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này?
Ông Bùi Văn Xuyền: Nhận định Luật quy định mức hoàn trả quá nhẹ, quá ít dẫn tới công chức, viên chức làm bừa, làm ẩu thì cũng chỉ đúng một phần.
Xác định đây là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước bồi thường thiệt hại bao nhiêu đối với công dân; thiệt hại đó tính đúng, tính đủ để đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường, và số tiền đó có thể rất lớn.
Công chức, viên chức làm cho Nhà nước thì họ chỉ được hưởng lương theo quy định, mức lương cũng thấp, nếu họ phải đứng ra bồi thường toàn bộ thì việc này sẽ khác hẳn đi, không còn ý nghĩa Nhà nước phải bồi thường.
Còn nếu cán bộ công chức, viên chức với vai trò là ông chủ thì anh phải đứng ra và chịu trách nhiệm bồi thường hoàn toàn.
Trong Luật lần này cũng xác định, những trường hợp nào phải hoàn trả một phần, còn trường hợp nào cán bộ công chức, viên chức phải trả lại toàn bộ phần Nhà nước đã bồi thường. Lần này xác định rõ hơn để tăng phần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm.
"Thương lượng bồi thường oan sai không phải để cò kè với dân"
PV: Một phần câu chuyện này được cho có nguyên nhân từ sự yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức, và việc tuyển dụng cán bộ theo kiểu chọn người nhà chứ không phải chọn người tài trong ngành Tòa án. Theo ông, nói như vậy có cơ sở hay không?
Ông Bùi Văn Xuyền: Nếu nói do người nhà, do tuyển dụng sai quy định dẫn tới năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ yếu kém thì cũng không hoàn toàn là như vậy, nó chỉ có một phần nhỏ.
Việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, và cơ chế tuyển dụng chung là phải qua thi tuyển và đáp ứng đủ các yêu cầu, qua các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, qua thời gian tập sự nghiệp vụ rồi sau đó mới được giao nhiệm vụ về thi hành nhiệm vụ công vụ công chức. Ví dụ anh được bầu làm Thẩm phán phải có các tiêu chuẩn rất khắt khe của Thẩm phán; kiểm sát viên, điều tra viên cũng có các tiêu chuẩn rất khắt khe.
Tuy nhiên, cũng không phải tất cả mọi người khi được tuyển dụng đều là những người tài giỏi, tốt cả được. Và trong thực tiễn vẫn có thể lọt, có thể có những người năng lực yếu, có những người phẩm chất đạo đức không đạt yêu cầu và hàng năm vẫn phải rà soát, đánh giá, kiểm điểm, phê bình và thậm chí phải loại bỏ.
PV: Không ít người cho rằng đây là hệ quả tất yếu của căn bệnh thành tích tại các đơn vị công quyền. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Bùi Văn Xuyền: Có câu chuyện này, nhất là những năm trước đây có áp lực của cơ quan tư pháp do việc giao chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan cấp trên; áp lực của khối lượng công việc nhiều, số lượng án tăng, trong khi biên chế không tăng; các điều kiện, tác động của cơ chế thị trường cũng như tác động của tiêu cực xã hội… đã tác động, ảnh hưởng đến người thi hành công vụ, dẫn tới việc sai sót.
PV: Theo ông, từ năm tới để không có những sai sót quá giới hạn cho phép cũng như số tiền bồi thường không đến mức chua xót như thế này thì chúng ta phải làm gì?
Ông Bùi Văn Xuyền: Giải pháp có rất nhiều, trong đó phải nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của người thi hành công vụ. Tuyển dụng cũng chỉ là một khâu bước đầu, nếu anh làm tuyển dụng tốt thì sẽ lựa chọn được những người có năng lực tốt. Thế nhưng trong quá trình mấy chục năm làm nghề thì cán bộ phải luôn luôn có sự rèn giũa, đào tạo, đào tạo lại.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong bồi thường oan sai