Chụp lén, đăng ảnh Kỳ Duyên ngủ trên máy bay có phạm luật?
Hoa hậu Kỳ Duyên mới đây bị chụp lén khi đang ngủ trên máy bay. Bức ảnh đã nhanh chóng lan truyền trên mạng với những ý kiến trái ngược nhau.
Xét dưới góc độ đạo đức là không nên
Luật sư Nguyễn Minh Hải - Công ty Luật TNHH Everest cho rằng, máy bay được xếp vào phương tiện giao thông công cộng. Do đó, một cá nhân nào đó khi có hành động cần phải hết sức chú ý, bởi không những có thể ảnh hưởng tới cá nhân họ mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Việc một người chụp ảnh của một hoặc nhiều người khác tại nơi công cộng (trừ nơi bị cấm quay phim chụp ảnh), không bị coi là trái pháp luật. Pháp luật không có quy định người chụp hình tại nơi công cộng phải được phép của người bị (được) chụp hình.
Hoa hậu Kỳ Duyên |
Luật sư Nguyễn Minh Hải cũng cho biết vừa qua, một số trang mạng có đưa hình ảnh người nổi tiếng ngủ trên máy bay trong tư thế khá “nhạy cảm”. Người phát tán hình ảnh này, xét góc độ đạo đức là không nên. Bởi nó có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh trong mắt công chúng. Các trang mạng (hoặc báo điện tử) nếu đưa thông tin có hình ảnh như vậy (không làm mờ khuôn mặt) không phải cách xử lý của trang thông tin chính thống, có uy tín.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, Luật sư Hải cho rằng những hành vi chụp các ảnh như vậy rất khó xử lý, bởi đây không phải hình ảnh có tính chất đồi trụy, đồng thời rất khó chứng minh mục đích là để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người trong ảnh.
Vi phạm quyền bí mật đời tư
Không đồng tình với quan điểm trên, Ths. Luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Công ty Luật Bảo Ngọc) cho rằng đây là hành vi vi phạm đến quyền bí mật đời tư được quy định tại điều 38, Bộ Luật dân sự.
Theo đó, điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về quyền bí mật đời tư như sau:
1.Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Như vậy, áp theo các điều khoản quy định trên, cá nhân người đăng tải ảnh của Kỳ Duyên lên Facebook, các trang xã hội tiếp tục đăng lại các hình ảnh theo như cách nói của họ là “khó đỡ”, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng đã vi phạm đến điều khoản 1,2 điều 38. Đó là việc không xin phép cá nhân khi đăng tải, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của hoa hậu Kỳ Duyên.
Ngoài ra, luật sư Phạm Thanh Bình cũng dẫn thêm Điều 31 - Bộ Luật Dân sự 2005 trong đó quy định khá chi tiết về "Quyền của cá nhân đối với hình ảnh".
Điều 31 quy định:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Thêm vào đó, luật sư Bình cũng dẫn chứng thêm nếu áp theo Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chỉ cho phép báo chí đăng ảnh những người có lệnh truy nã, các phiên tòa xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án… và các trường hợp pháp luật có quy định khác./.