Cục an ninh mạng: Hạn chế tối đa việc lộ thông tin cá nhân
VOV.VN -Thủ đoạn lừa đảo online đang ngày một trở nên tinh vi gây ra nhiều thiệt hại về mặt kinh tế cho các nạn nhân.
Giả người nước ngoài kết bạn trên Facebook, giả mạo người thân yêu cầu gửi tiền, tặng quà từ nước ngoài là tiền mặt, quà có giá trị, bán hàng… là số ít trong vô vàn chiêu trò lừa đảo qua mạng thời gian qua. Thế giới online là ảo nhưng người bị lừa lại phải chịu thiệt hại thật về mặt kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV.VN phỏng vấn Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.
Hình minh họa |
Người bị hại phần lớn là thiếu thông tin
PV: Thưa Thiếu tá, vì sao lừa đảo qua mạng gia tăng trong thời gian qua?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Có thể nói, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao cũng có sự “tiến hóa”, đặc biệt là về phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, đa phần với động cơ mục đích để chiếm đoạt tài sản. Với tính ẩn danh cao, không có ranh giới về thời gian và không gian nên đối tượng phạm tội có thể chỉ cần thông qua môi trường mạng để thực hiện hành vi mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người bị hại, trong cùng một thời điểm có thể phạm tội với nhiều bị hại. Trong nhiều vụ án đã xảy ra, kẻ phạm tội và bị hại hoàn toàn không quen biết nhau. Người bị hại đa phần là người thiếu thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới, trong số đó có những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, những người cao tuổi, người làm nội trợ ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng.
PV: Trước kia, việc lừa đảo chỉ đơn giản là mua thẻ điện thoại, giả người thân chuyển khoản cho vay,... với số tiền ít ỏi chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng bây giờ lừa đảo có nhiều chiêu thức hơn. Từ thực tế trên, Thiếu tá có nhận định gì?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Có thể nói rộng hơn về hành vi chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trước đây, các đối tượng chủ yếu nhắm vào tâm lý tò mò, chủ quan, thậm chí ham lợi ích vật chất để lừa bị hại chuyển tiền với các lý do như phóng viên đã nêu. Thậm chí những vụ làm quen, kết bạn qua mạng rồi hứa hẹn tặng các món quà giá trị lớn, yêu cầu bị hại chuyển tiền để đóng các loại phí thì có vụ các đối tượng cũng đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của bị hại.
Gần đây, với sự phát triển của các công nghệ thanh toán, thậm chí các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao có thể chiếm đoạt thông tin, xâm nhập trái phép vào tài khoản ngân hàng của bị hại để chuyển tiền ra khỏi tài khoản và chiếm đoạt. Có thể nói, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng có các phương thức thủ đoạn tinh vi, tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn. Vì vậy, thông tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cần được cập nhật rộng rãi trong đời sống xã hội để nâng cao ý thức cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm.
PV: Những điểm yếu nào để kẻ gian hay lợi dụng, thưa ông?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Những điểm yếu chính tội phạm có thể lợi dụng là sự thiếu thông tin về phương thức thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân; sự ham lợi ích của một số bị hại dẫn đến thiếu sáng suốt trong việc trao đổi thông tin, giao dịch tiền, tài sản của các đối tượng; thói quen không chú ý đến an ninh mạng, an toàn thông tin dẫn đến lộ, lọt thông tin cá nhân thậm chí có thể bị chiếm đoạt trái phép thông tin các tài khoản có liên quan đến giao dịch tài chính của bị hại.
Thương mại điện tử: Nguy cơ lộ, lọt thông tin
PV: Thưa ông, tình trạng lừa đảo trên mạng diễn biến thế nào khi hoạt động thương mại điện tử phát triển?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Như đã nói, các sản phẩm ứng dụng phục vụ tiện ích cuộc sống ngày càng được hoàn thiện. Ngày nay chúng ta có thể tìm kiếm và đặt mua, thanh toán những mặt hàng với giá trị lớn chỉ hoàn toàn thông qua không gian mạng. Tuy nhiên đi đôi với sự tiện lợi là nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân, nguy cơ bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức nhân dân về an ninh mạng ngày càng là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.
PV: Từ những vụ lừa đảo trên mạng, chúng ta đều nhận thấy người Việt vẫn chưa ý thức được việc thông tin cá nhân là một tài sản tuyệt mật cho nên nhiều người bị mất thông tin, mất tài khoản mạng xã hội thì vô tình trở thành công cụ cho các đối tượng lừa đảo phải không?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ về giá trị thông tin cá nhân của mình. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được Chính Phủ thúc đẩy mạnh mẽ như hiện nay, có thể nói, thông tin cá nhân là một dạng “tài nguyên kiểu mới” sẽ được rất nhiều tổ chức cá nhân khai thác để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng lợi dụng để có thông tin về các cá nhân mà chúng muốn nhắm tới để thực hiện hành vi phạm tội.
Băng nhóm giả công an, viện kiểm sát gọi điện lừa hơn 500 tỷ. (Ảnh: Zing.vn) |
PV: Qua thực tế đấu tranh, Thiếu tá có thể chia sẻ một vài ví dụ điển hình?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Trong những năm qua xảy ra nhiều vụ đối tượng phạm tội sử dụng tổng đài điện thoại thực hiện các cuộc gọi mạo danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát để đe dọa các nạn nhân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, yêu cầu chuyển tiền để chúng kiểm tra, sau đó chiếm đoạt. Phần lớn các bị hại khi làm việc tại cơ quan Công an đều cho rằng thông tin cá nhân của họ bị lộ, lọt, khi đối tượng gọi đến đọc chính xác các thông tin cá nhân của họ nên họ có niềm tin người gọi làm việc ở cơ quan bảo vệ pháp luật. Trước tết Nguyên đán vừa qua, Công an một địa phương cũng đã triệt phá một ổ nhóm tội phạm dạng này, ban đầu số tiền lừa đảo lên tới hơn 500 tỷ đồng, đây là số tiền đặc biệt lớn.
PV: Thiếu tá có lời khuyên gì để người dùng mạng tránh vướng vào bẫy lừa đảo trên mạng?
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng: Trước hết mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm; cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như người thân, coi đó là tài sản riêng hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết; thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo; Nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tá./. Khởi tố đối tượng lừa đảo 5 tỷ đồng lấy tiền đánh bạc