Để dân bớt ám ảnh về những cái chết ở “trụ sở công an”
Người dân bức xúc, nghi ngờ bởi thời gian qua, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng dùng nhục hình dẫn đến nghi can chết ở trụ sở công an.
Trong những ngày vừa qua, dư luận lại “nóng” lên chuyện người bị tạm giữ, tạm giam chết bất thường trong nhà tạm giữ, tạm giam qua thông tin ông Nguyễn Quảng Trường (43 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) tử vong sau khi bị Công an huyện Quốc Oai tạm giữ ba ngày.
Sau khi ông Trường chết, do bức xúc và cho rằng cái chết của nạn nhân có nhiều uẩn khúc, gia đình nạn nhân đã khiêng quan tài tới bệnh viện để yêu cầu khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân tử vong. Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã vây kín nhà xác của bệnh viện, nghi ngờ ông Trường bị công an đánh chết.
|
Người dân bức xúc, nghi ngờ bởi thời gian qua, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng công an dùng nhục hình dẫn đến nghi can tử vong. Chẳng hạn vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết anh Ngô Thanh Kiều, vụ bốn công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận, vụ công an xã Vạn Long đánh chết em Tu Ngọc Thạch (học sinh lớp 9, ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa)…
Tình trạng nghi can chết trong các nhà tạm giữ, tạm giam là một thực trạng buồn! Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công an cũng từng nhìn nhận: “Việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như quy định về chế độ tạm giam, tạm giữ chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ nếu không bị hạn chế bởi biện pháp tạm giữ, tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…); chế độ ăn, mặc, ở, khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế...”.
Công an TP Hà Nội đã chính thức thông báo ông Nguyễn Quảng Trường chết là do bệnh lý. Trên cơ sở yêu cầu của gia đình, Công an TP Hà Nội đã trưng cầu Viện Pháp y Quân đội giám định, sau đó viện này kết luận: “Ông Trường chết là do bệnh lý xơ vữa động mạch. Không có dấu hiệu gì từ nguyên nhân ngoại lực”.
Công an TP Hà Nội đã có cách làm minh bạch khi trưng cầu Viện Pháp y Quân đội tiến hành giám định pháp y. Điều này làm cho người thân của ông Trường và dư luận bớt đi sự hoài nghi về cái chết của ông Trường.
Việc giải quyết của Công an TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần không bao che cho hành vi sai phạm. Trước đó, các cơ quan tố tụng ở Hà Nội đã xử lý hành vi của bốn công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) về tội giết người nên đã phần nào lấy lại lòng tin của người dân vào công lý.
Khi mà người dân không tin vào chế độ tạm giữ, tạm giam; không tin vào công an đối với các trường hợp chết trong nhà tạm giữ, tạm giam nữa thì khó có thể trách cứ người dân bị bức xúc. Vấn đề là khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng phải giải quyết và xử lý khách quan, nghiêm minh, không bao che thì người dân mới tin. Ngạn ngữ đã có câu: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”! Khi mà chính người nhà nạn nhân thừa nhận không có việc công an đánh người thì có giá trị hơn cả trăm ngàn lần giải thích của cơ quan có thẩm quyền.
Qua vụ việc này, có lẽ bài học rút ra cho công an cả nước là khi có người chết bất thường trong nhà tạm giữ, trại tạm giam thì nên trưng cầu giám định pháp y của cơ quan y tế hoặc pháp y quân đội. Nếu kết quả cho thấy cái chết của nạn nhân không do công an gây ra thì cần làm công tác tư tưởng cho người nhà của nạn nhân tự họ nói với báo giới rằng sự nghi ngờ ban đầu là không có căn cứ.
Còn nhớ khi báo chí nêu việc công an bắt giữ hai tấn bạch tuộc, bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo vụ việc ngay. Kết quả là lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương phải vào tận TP.HCM để xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho các chủ hàng. Hành động sửa sai dũng cảm, kịp thời này được dư luận cả nước hoan nghênh.
Qua vụ ông Trường bị chết trong nhà tạm giữ cũng như một số vụ việc khác đã được công an TP Hà Nội giải quyết khách quan, xử lý có lý có tình có thể nói dư luận và người dân bớt đi “ám ảnh” về từ khóa “chết ở trụ sở công an”.
Không phải một sớm một chiều mà dư luận và người dân tin ngay vào công an về những trường hợp bị chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách xử lý và giải quyết của công an khi có vụ việc xảy ra./.