“Đội ngũ luật sư không có chạy án“

Vấn đề LS chạy án, tình trạng
oan sai đã được báo chí quan tâm đặt vấn đề với 4 tân Phó chủ tịch Liên đoàn
Luật sư VN (LĐLSVN) sau đại hội đại biểu LS toàn quốc bế mạc hôm nay.

Chỉ là con sâu làm rầu nồi canh

Theo Phó chủ tịch LĐLSVN Đỗ Ngọc Thịnh, một vài LS có thể có những biểu hiện đó nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng nên không thể khẳng định.

Ông Thịnh cho rằng khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, khi cơ chế kiểm tra, giám sát của chính cơ quan tiến hành tố tụng chưa được bảo đảm mà LĐLSVN, các cơ quan LS Việt Nam đang thực hiện mô hình tự quản kết hợp với quản lí nhà nước thì việc có một vài tồn tại, hạn chế là không thể tránh khỏi.

 


“LĐLSVN thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp LS, thực hiện giáo dục chính trị, tư tưởng để hạn chế tối đa những biểu hiệu tiêu cực”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng khẳng định đối với các LS cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, ngoài việc uốn nắn, giúp đỡ, họ còn bị xử lí cao nhất là đưa họ ra khỏi đội ngũ LS, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

LS Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch LĐLSVN cũng cho rằng tình hình LS chạy án, nếu có, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đối với chạy án hay nói thẳng ra là hối lộ, một trong những giải pháp là phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để ngăn chặn ngay từ đầu.

Cụ thể hóa quyền im lặng để giảm oan sai

Việc LS góp tiếng nói như thế nào trong vấn đề oan sai đang nhức nhối hiện nay cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo.

“Một trong những vấn đề đặt ra trong nhiều giải pháp tổng thể là làm thế nào quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với các vụ án hình sự phải bảo đảm cụ thể thực hiện được quyền hiến định. Đó là người bị tình nghi có quyền nhờ LS bào chữa, LS phải có quyền tiếp xúc với họ và phải cụ thể hóa quyền im lặng vào luật cụ thể”, Phó chủ tịch LĐLSVN Phan Trung Hoài lưu ý.

Vì vậy theo ông Hoài, LS phải có mặt ngay từ đầu và cần trang bị hệ thống camera làm sao việc hỏi cung được minh bạch, công khai, có sự chứng kiến của LS.

“Khó khăn nhất hiện nay đối với LS chúng tôi đó là khi một vụ án xảy ra, các bị can nằm trong trại tạm giam và chỉ thân nhân của họ đến nhờ LS nhưng khi chúng tôi trình các thủ tục này phần lớn bị từ chối. Trong 10 ngày mới đây tôi nhận ba thông báo từ chối”, ông Hoài dẫn chứng.

Ông cũng khẳng định nếu LS tham gia ngay từ đầu sẽ thì góp phần hạn chế nhục hình, bức cung, hạn chế oan sai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên