Lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi: Tránh qua loa, hình thức
VOV.VN - Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng yêu cầu việc lấy ý kiến phải được thực hiện nghiêm túc, tránh qua loa, hình thức.
Chiều 30/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị quán triệt kế hoạch lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi).
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
“Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng thế nào, bao nhiêu vụ, xử được bao nhiêu người là những vấn đề mà chúng ta phải trả lời. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ trong ngành thanh tra phải nắm vững pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng”, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nói.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nêu rõ, mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng Bộ luật Hình sự lần này là để bảo đảm phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước và phù hợp với Hiến pháp 2013, trong đó có quyền con người, quyền công dân. Bộ luật Hình sự là luật rất sát với quyền con người, thế nên bộ luật này được xem là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh cho mọi người.
Ông Trần Đức Lượng đề nghị các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo, gồm: trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; qui định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành bản án tử hình trong một số trường hợp; qui định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; việc chuyển từ hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; hình phạt trục xuất; việc thay thế tội cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý trong các lĩnh vực kinh tế; việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.
Bên cạnh đó là những vấn đề cụ thể có liên quan đến công tác, chức năng của Thanh tra Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là các tội phạm về chức vụ; sửa đổi, bổ sung như mở rộng chủ thể có chức vụ sang khu vực tư đối với một số hành vi phạm tội cụ thể; việc điều chỉnh một số tình tiết đính chính, định lượng cấu thành định tội hoặc định khung như quy định hành vi “đòi” hoặc “sẽ đưa” hoặc “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ; bổ sung tội đưa hối lội cho công chức nước ngoài, công chức tổ chức quốc tế…
Phó Tổng Thanh tra cũng nêu rõ, Dự thảo Bộ luật Hình sự có nhiều nội dung liên quan đến công việc của ngành Thanh tra, vì vậy đây là cơ hội để cán bộ công chức thanh tra phổ cập kiến thức luật, nếu nắm vững luật, cán bộ công chức sẽ vững tâm khi làm việc. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức dù chỉ có một ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật cũng rất quý.
Bộ luật Hình sự hiện hành được Quốc hội thông qua năm 1999 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật hình sự Việt Nam, thành tựu của pháp luật hình sự năm 1995, đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997. Sau 14 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã có đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số điểm buộc phải tiến hành sửa đổi toàn diện.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi bao gồm 443 điều, tăng 99 điều so với bộ luật Hình sự cũ, trong đó có 68 điều được bổ sung mới. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này được đánh giá đã đưa ra 6 điểm mới, đó là những nội dung sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự góp phần bảo vệ và thực hiện, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, tính hướng thiện cho việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và đảm bảo thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận; thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở trách nhiệm hình sự đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội…/.