“Nếu không bắt khẩn trương, có thể Nguyễn Hải Dương đã tự sát“
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, nếu không bắt khẩn trương thì nghi phạm Nguyễn Hải Dương có thể đã tự sát.
Cần có chế tài với đối tượng hết sức nguy hiểm
Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8 quy định người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Hình thức kỷ luật cùm chân không áp dụng đối với người bị kỷ luật là người chưa thành niên, phụ nữ, người từ đủ 75 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc gặp thân nhân, gửi, nhận thư, nhận quà.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cân nhắc quy định cùm chân vì theo Bộ luật Hình sự, đây là hình thức hạn chế quyền tự do đối với phạm nhân. Nhưng trong trường hợp tạm giữ, tạm giam thì phải cân nhắc vì người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là người phạm tội. Do đó, quyền của họ phải được đảm bảo.
Giải trình về nội dung này, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Qua tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy quy định này không vi phạm lắm đến quyền con người. Nhiều nước vẫn áp dụng và công ước của quốc tế cũng không đề cập. Thực tế như Singapore còn có hình phạt đánh roi”.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an |
“Điều luật trong dự thảo ghi những đối tượng hết sức nguy hiểm cần cùm một chân để tránh đối tượng tự sát, gây án ngay trong trại hoặc thậm chí chống trả anh em, nhất là đối tượng trọng án, giết người. Ví dụ đối tượng Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước nếu không bắt khẩn trương thì nghi phạm đã tìm đến con đường tự sát vì Dương mua bịch thuốc ngủ với mục đích này. Do đó cần có chế tài với một số đối tượng hết sức nguy hiểm”, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị.
Về trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam giam chết, dự thảo luật quy định thủ trưởng cơ sở tạm giữ, tạm giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để làm rõ nguyên nhân. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị điều này phải quy định rõ hơn, vì mỗi trường hợp xảy ra khiến người dân rất bức xúc.
“Thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có quyền chứng kiến khám nghiệm tử thi hoặc có quyền yêu cầu giám định pháp y, như vậy mới đảm bảo tính khách quan”, ông Lý nêu ý kiến.
Người đồng tính, chuyển giới được giam riêng?
Về phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua khảo sát về công tác tạm giữ, tạm giam tại một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong Trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế, trong khi đó một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông thì việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án là không khả thi.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì Nhà tạm giữ, Trại tạm giam vẫn cần bố trí người đã thành niên giam cùng để bảo đảm kiểm soát hành vi, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình.
Về quy định trường hợp người đồng tính, người chuyển giới, người có bệnh truyền nhiễm có được tạm giữ, tạm giam ở buồng riêng hay không, theo nhiều ý kiến, nên thể hiện cụ thể trong luật để tránh áp dụng tuỳ tiện.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, việc bố trí buồng tạm giữ, tạm giam đối với người đồng tính, chuyển giới cũng là vấn đề khó. Ngoài ra có trường hợp đối tượng bị tạm giam, tạm giữ phải giam chung để có đối tượng khác bên cạnh giúp cho việc giám sát, đề phòng những sự việc xảy ra trong đêm khó phát hiện kịp thời.
“Hay trường hợp người khi bị tạm giam, tạm giữ đã mang trong người các loại bệnh. Chúng tôi đang chỉ đạo tất cả các đối tượng bị bắt giữ đều phải kiểm tra kỹ sức khoẻ. Qua mấy trường hợp xảy ra chết người vừa rồi như vụ ở Hà Nội thì đối tượng có đến 3 tiền án, 3 tiền sự, bị huyết áp cao khi vào nhà giam giữa 4 bức tường gần như kín thì không cẩn thận cũng ảnh hưởng sức khoẻ. Do đó việc xây dựng cơ sở giam giữ cũng cần được tính toán lại cho phù hợp”, Thứ trưởng Công an cho biết./.