Nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý bỏ Điều 292, Bộ luật Hình sự 2015
VOV.VN - Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội của Đoàn Hà Nội đồng tình quan điểm bỏ điều 292, BLHS 2015 để không ảnh hưởng đến khởi nghiệp.
Tại buổi thảo luận tổ sáng 21/10 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội cho rằng, hiện nay chưa có ý kiến nào yêu cầu phải ban hành nhanh Bộ luật Hình sự năm 2015 cho nên Quốc hội cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm trước khi ban hành để tránh sai sót ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội, của Nhà nước.
Một trong vấn đề được quan tâm tại cuộc thảo luận tổ của Đoàn Hà Nội là việc Chính phủ trình bày việc bỏ Điều 292, Bộ luật Hình sự (BLHS).
Đại biểu Đào Thanh Hải đồng tình quan điểm bỏ Điều 292 trong Bộ luật Hình sự |
Đại biểu Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đồng quan điểm với Chính phủ trong việc trình Quốc hội xin bãi bỏ Điều 292, BLHS năm 2015 quy định tội danh về cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo đại biểu Đào Thanh Hải, nếu theo điều luật này thì sẽ xử lý hình sự rất nhiều trong khi đó mục đích của nhiều người không phải là chiếm đoạt tài sản.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Quân – Đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cần thiết phải bỏ Điều 292, BLHS năm 2015.
“Chúng ta đang phát động khởi nghiệp, có nhiều vấn đề quan tâm nhiều hơn”. Theo ông Quân, những quy định trong điều 292, BLHS sẽ ảnh hưởng đến khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, ở góc độ nào đó thì chúng ta cần phải có quy định phù hợp hơn để quản lý.
Đại biểu Bùi Huyền Mai – Đoàn Hà Nội cũng khẳng định quan điểm đồng tình với Chính phủ về việc bỏ Điều 292. “Chúng ta đang phát động khởi nghiệp thì cần tạo điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng trong phải trong khuôn khổ pháp luật”, bà Mai nêu quan điểm.
Về quan điểm bỏ Điều 292 – BLHS, bà Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Hà Nội lại có quan điểm ngược lại.
Bà Khánh cho rằng, cần giữ lại Điều 292 vì nó có sự hợp lý, thể hiện sự thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, bà Khánh cho rằng, ở trong điều luật này có một số từ ngữ nhạy cảm khiến nhiều người bức xúc như từ: “giấy phép”, “không phép”. “Người ta quá sợ từ giấy phép vì thủ tục hành chính hiện nay”, bà Khánh trình bày.
Theo bà Khánh, đối với điều luật này, chỉ cần chỉnh sửa lại cho hợp lý, nếu bãi bỏ Điều 292 sẽ là bất lợi.
“Từ không có giấy phép và không được cấp phép thì sửa nó đi thế nào đấy”, bà Khánh nêu vấn đề.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thì ngược lại cho rằng, cần thiết phải giữ lại điều 292 |
Đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm giữ lại Điều 292 BLHS 2015, bà Khánh cho rằng, tội phạm công nghệ cao đang ngày càng tinh vi, nên cần phải có luật để chấn chỉnh.
Trước đó, trong phiên làm việc tại hội trường sáng nay, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.
Trong nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật đã đề nghị bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292, BLHS năm 2015).
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trình bày sau đó cũng cho biết, có ý kiến đề nghị giữ lại quy định này vì các hành vi vi phạm đều có ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội, cần có sự điều chỉnh để phòng ngừa, ngăn chặn.
Tuy nhiên, cần sửa đổi để bảo đảm chặt chẽ theo hướng bỏ quy định về “doanh thu”, chỉ giữ lại các tình tiết “không có giấy phép” và “thu lợi bất chính” để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự; bỏ điểm e khoản 1 để tránh tùy tiện khi áp dụng.
Có ý kiến đề nghị giữ lại điều 292 nhưng chỉ điều chỉnh với hành vi kinh doanh đa cấp trái phép (quy định thành tội kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp)./.
Bộ Tư pháp lên tiếng về Điều 292, Bộ luật Hình sự năm 2015