Nhờ người nhà nộp tiền hối lộ, ông Chử Xuân Dũng có được xem xét giảm án?
Theo luật sư, ông Dũng có thể có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi đó, tòa án có thể xem xét quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị VKS truy tố.
Ngày 11/7, TAND TP Hà Nội dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng 53 bị cáo khác về các tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo luật sư bào chữa cho ông Dũng, cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội đang tác động người thân nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, số tiền phải nộp lại là hơn 2 tỷ đồng trong khi số tiền bị cáo cùng gia đình đã nộp là 1,7 tỷ đồng.
Ngoài tình tiết trên, ông Dũng còn nhận được đơn xin giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự từ các cơ quan, đơn vị nơi ông từng công tác và có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác.
Với việc tác động gia đình nộp lại tiền cùng các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, ông Dũng có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với mỗi vụ án hình sự, bên cạnh các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, pháp luật còn thể hiện sự khoan hồng khi quy định các tình tiết giảm nhẹ đối với những người phạm tội có thái độ tích cực trong vụ án.
Có thể có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Luật sư Lực phân tích, theo khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp như tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, học tập, công tác; là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều này, khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc một số tình tiết khác là các tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác được đề cập tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, Công văn số 212/TAND-PC ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao đã có giải đáp cụ thể về vấn đề này. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể đối với quy định này.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, tòa án có thể tham khảo quy định tại mục 5, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
- Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sĩ;
- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
- Người bị hại cũng có lỗi;
- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Đối chiếu với trường hợp này, luật sư Lực nhìn nhận với việc tác động người nhà nộp nốt số tiền hối lộ, bị cáo Chử Xuân Dũng có thể được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả theo điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, với tình tiết có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác, ông Dũng còn có thể được ghi nhận thêm một tình tiết giảm nhẹ khác là có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác, quy định tại điểm v, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với việc nhiều cơ quan, đơn vị cũ có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Dũng, đây có thể được tòa án xem xét ghi nhận là một tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật này.
Như vậy, khi được đưa ra xét xử, ông Dũng có thể có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi đó, theo khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, tòa án có thể xem xét quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị VKS truy tố.
"Đối với các vụ án hình sự, nếu xác định ý chí của bị cáo đã ăn năn hối cải và chủ động muốn khắc phục hậu quả, tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 này có thể được ghi nhận, bất chấp việc người nộp tiền là bị cáo, người thân trong gia đình hay luật sư. Đối với trường hợp bị cáo không nhận tội, không chủ động khắc phục hậu quả nhưng gia đình đã sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay, bị cáo vẫn có thể được xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ dựa trên tinh thần của Công văn số 212/TANDTC-PC và Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP", luật sư Lực bình luận.