Quyết định của cả tập thể, cá nhân ‘chịu tội’ có công bằng?
VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân. Vì vậy, sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể
Liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo bộ Luật Hình sự (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Dụ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Ngàn cho rằng, Dự thảo Bộ luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân là phù hợp và công bằng. Hành vi của các cá nhân chủ yếu là nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì thế nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay.
Nếu chỉ truy cứu TNHS cá nhân sẽ không công bằng
Theo ông Dụ, nếu chỉ truy cứu TNHS đối với người đứng đầu pháp nhân là chưa hợp lý do hoạt động của các tổ chức kinh tế thể hiện rõ nét vai trò của tập thể lãnh đạo, các quyết định quan trọng của pháp nhân thường do tập thể (Hội đồng Quản trị hoặc Ban Giám đốc) đưa ra. Đồng thời, xu hướng hiện nay của các pháp nhân kinh tế thuê người điều hành, quản lý. Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu TNHS cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc cua thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp cũng cho rằng, mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần).
“Trong trường hợp này, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì sẽ không thể xác định được người phải chịu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, sẽ không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể”- ông Trần Tiến Dũng nói.
Đồng quan điểm ủng hộ truy cứu TNHS đối với pháp nhân, luật sư Lê Luân, Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho rằng, việc xác định hành vi và áp dụng trách nhiệm pháp lý về hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, bởi đó cũng là một chủ thể có đầy đủ tư cách và năng lực để thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý. Vì thế pháp nhân cũng đủ năng lực gánh chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi của mình.
“Ở một số nước trên thế giới đã áp dụng TNHS đối với pháp nhân. Với chúng ta, đây là vấn đề hoàn toàn mới, đến nay nhiều người vẫn cho rằng, pháp nhân không có năng lực hành vi thì không thể chịu trách nhiệm pháp lý được. Nói thế là không đúng, pháp nhân có năng lực hành vi và có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý như một cá thể, ngoại trừ một số loại giao dịch, hành vi không dành cho pháp nhân”- Luật sư Luân nói.
Cần làm rõ giới hạn phạm vi TNHS của pháp nhân
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Dụ cho rằng, khi quy định TNHS của pháp nhân, cần phải làm rõ: Loại pháp nhân phải chịu TNHS; loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS; trách nhiệm hình sự liên đới của người đại diện của pháp nhân, cá nhân và tập thể trong những loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS. Hiệu dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự quy định theo hướng truy cứu TNHS đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế mà không áp dụng đối với các pháp nhân khác thì sẽ khó bảo đảm sự bình đẳng về quyền giữa các chủ thể có cùng tư cách pháp nhân. Do vậy, cần xem xét lại là có nên quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự chỉ là pháp nhân là tổ chức kinh tế hay mở rộng đối với mọi pháp nhân.
Ông Nguyễn Duy Dụ cũng cho rằng, cần xác định rõ nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong mối quan hệ với xử lý trách nhiệm hình sự của cá nhân, làm rõ phạm vi giới hạn trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân trong cùng một vụ án theo nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (khoản 3, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, cần có dự liệu các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự dành cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Theo luật sư Lê Luân, về tội phạm, pháp nhân chỉ phải chịu một số trách nhiệm hình sự với loại tội như xâm hại môi trường, xâm hại tài sản, xâm hại trật tự các hoạt động hành chính, kinh tế. Hình phạt đối với pháp nhân, có thể áp dụng: đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực vi phạm có thời hạn hoặc vĩnh viễn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc giải tán hoàn toàn (chấm dứt hoạt động) doanh nghiệp, phạt tiền...
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của pháp nhân đối với hành vi vi phạm hết sức nguy hiểm mang tính chất tội phạm, dự thảo bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung chương XI về những quy định đối với các pháp nhân là tổ chức kinh tế phạm tội, trước mắt tập trung vào nhóm tội phạm hiện đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó, dự thảo bộ Luật Hình sự sửa đổi chỉ quy định giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố./.